Ngày 23.6, tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP.HCM có vị trí quan trọng không chỉ với miền Nam mà còn với cả nước. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của TP.HCM đạt chỉ tiêu đề ra rất quan trọng đối với kinh tế - xã hội của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với UBND TP.HCM.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP.HCM phân tích những mặt nổi bật, tồn tại, thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển.
"TP.HCM phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu thành phố có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. TP.HCM không chỉ là trung tâm kinh tế - khoa học - xã hội của cả nước, mà còn cạnh tranh trong khu vực ASEAN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đại diện UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực - kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017 - 2020 là tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên (hơn 29.500 tỷ đồng) và Dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - kênh Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 2 (hơn 8.500 tỷ đồng).
Theo ông Lê Thanh Liêm, vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án (7.500 tỷ đồng cho tuyến Metro số 1 và hơn 4.000 tỷ đồng cho Dự án cải thiện môi trường nước), đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA của thành phố. Với số vốn này, thành phố rất khó hoàn thành tiến độ 2 dự án nêu trên đúng thời gian quy định.
“Các dự án đang thi công đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí, các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung”, ông Liêm nói.
Sợ tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, TP.HCM kêu khó với Thủ tướng.
Ông Liêm cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP.HCM có một số cơ chế khác để tạo thuận lợi cho thành phố phát triển, như: Tiếp nhận khoản vay 200 triệu euro của Ngân hàng Đức cho Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án quan trọng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020; phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển căn cứ vào số dân thực tế của thành phố; cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập...
Trước đó, báo cáo về kết quả tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so cùng kỳ năm trước, nhưng còn một số tồn tại cần phải tập trung khắc phục như: Môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động…
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP.HCM tăng 7,76% (cùng kỳ năm 2016 tăng 7,47%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu, khu vực dịch vụ tăng 7,4% (chiếm 58,2%), khu vực công nghiệp xây dựng tăng 7,2% (chiếm 23,3%), khu vực nông lâm thủy sản tăng 5,9% (chiếm 0,7%), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,81% (chiếm 17,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 451.003 tỷ đồng, tăng 10,3%. Du lịch tăng trưởng tốt, đã tổ chức các sự kiện, lễ hội du lịch góp phần thu hút khách quốc tế đến thành phố đạt 2,8 triệu khách, tăng 14,7%, doanh thu đạt 53.617 tỷ đồng, tăng 12%. Xuất khẩu tăng trưởng khá, nếu không tính giá trị dầu thô đạt 14,23 tỷ đôla Mỹ, tăng 20,3%.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.