Thông thường, phong hiệu của các phi tần thời nhà Thanh sẽ không trùng lặp với nhau. Tuy nhiên mọi sự đều chỉ mang tính tương đối, ví như Hiếu Trang Thái hậu vốn có phong hiệu là Trang phi, đến thời Gia Khánh đế, hậu cung của ông cũng có một người tên là Trang phi.
Vào thời nhà Thanh, có đến hai vị phi tần giữ phong hiệu là Tuệ phi. Thế nhưng cuộc đời của họ lại khác biệt nhau rất nhiều, một người là con dâu nuôi từ bé nhưng chưa kịp được thị tẩm đã qua đời, một người được thăng lên đến Hoàng Quý phi, nhận được sự sủng ái vô vàn của Từ Hi Thái hậu.
Người đầu tiên: Tuệ phi của Khang Hi đế
Những năm đầu khi Khang Hi lên ngôi, Tam đẳng công Đài cát là A Úc Tích của Khoa Nhĩ Thấm bộ đưa cô con gái bé nhỏ Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị đến Tử Cấm Thành. Hiếu Trang Thái hậu cũng là một mỹ nhân đến từ tộc Khoa Nhĩ Thấm của Mông Cổ. Vậy Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị này và Hiếu Trang Thái hậu có liên quan gì đến nhau không?
Câu trả lời là có, thậm chí quan hệ giữa hai người còn khá gần là đằng khác. Cha của Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị là em họ của Hiếu Trang thái hậu, nói cách khác, Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị là cháu gái gọi Hiếu Trang Thái hậu một tiếng cô. Xét kĩ hơn nữa, tính ra bà cũng là cô họ của Khang Hi đế. Cô họ trở thành phi tần cho cháu trai, điều này có thể gây sốc với người hiện đại chúng ta nhưng vào thời nhà Thanh, đây là chuyện cũng khá phổ biến.
Do mối quan hệ thân thích nên Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị vào cung từ rất sớm, khi còn chưa đến 10 tuổi. Bởi hoàng thất có quy định, thiếu nữ chưa đến tuổi gả đi sẽ được đưa đến trong cung nuôi dưỡng theo dạng "con dâu nuôi từ bé", đợi đến lúc trưởng thành sẽ tiến hành thị tẩm và nhận sắc phong.
Với xuất thân cao quý và gia thế nổi bật như vậy, tương lai Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị trở thành phi hay quý phi là chuyện có thể dự đoán được. Đáng tiếc vào năm Khang Hi thứ 9, bà lại không may qua đời do bệnh tật, ước chừng chỉ mới mười mấy tuổi, còn chưa kịp được Khang Hi lâm hạnh cũng như sắc phong. Sau đó Khang Hi truy phong bà làm Tuệ phi (chữ Tuệ này mang nghĩa thông minh, trí tuệ), nhập táng Cảnh Lăng vào năm Khang Hi thứ 20.
Người thứ hai: Tuệ phi của Đồng Trị
Đến năm Đồng Trị thứ 11, khi ấy Đồng Trị đế chỉ mới 17 tuổi nhưng đã sắp cử hành đại hôn rầm rộ trong Tử Cấm Thành. Đáng nói, mẹ đẻ của ông là Từ Hi thái hậu lại không hề thấy vui mừng với hôn sự lần này. Bởi người được Đồng Trị chọn lên ngôi hậu lại là một cô gái người Mông Cổ. A Lỗ Đặc thị tuy được lòng phu quân nhưng lại khiến mẹ chồng căm ghét.
Vậy phi tần nào mới là người khiến Từ Hi ưa thích đây?
Đó chính là tú nữ Phú Sát thị vừa được phong làm Tuệ phi. Phú Sát thị xuất thân cao quý, vừa xinh đẹp lại thông minh, có đôi phần giống Từ Hi lúc còn trẻ.
Sự thật chứng minh, những ai chống đối hoặc khiến Từ Hi không hài lòng đều có cái kết chẳng mấy tốt đẹp. Chưa đầy hai năm sau, Đồng Trị đế suýt soát 20 tuổi qua đời trong ấm ức, mà hoàng hậu A Lỗ Đặc thị cùng theo chồng xuống suối vàng vài tháng sau đó.
Còn Tuệ phi tuy trở thành góa phụ nhưng nhờ nhận được sự yêu mến của Từ Hi, bà được thăng lên làm Hoàng quý phi, hưởng đãi ngộ và phúc lợi vượt xa các phi tần khác.
Không chỉ vậy, Từ Hi thái hậu còn đặc biệt ban cho bà danh hiệu Đôn Nghi Vinh Khánh Hoàng quý phi. Nói cách khác, bà là Hoàng quý phi duy nhất có phong hiệu của nhà Thanh mà lại còn là phong hiệu dài nhất, đồng thời cũng là hoàng quý phi sở hữu thân phận như "hoàng tẩu" (vốn dành cho hoàng hậu) của nhà Thanh. Rõ ràng Từ Hi thái hậu không hề che giấu sự sủng ái của mình với cô con dâu từng hụt ngôi vị hoàng hậu này.
Dưới sự che chở của Từ Hi, Phú Sát thị sống an nhàn đến năm Quang Tự thứ 30 rồi qua đời, được truy thụy hiệu Thục Thận hoàng quý phi và an táng vào địa cung Phi viên tẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.