Số phận của Syria vẫn chưa rõ ràng

Thứ hai, ngày 02/07/2012 07:23 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 1.7 (theo giờ VN) tại Geneve, Thụy Sĩ, các cường quốc của thế giới đã thông qua bản kế hoạch về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria, song vẫn tranh cãi về vai trò của đương kim Tổng thống Syria.
Bình luận 0

Hội nghị cấp bộ trưởng về Syria kéo dài nhiều giờ đã kết thúc bằng việc nhất trí đưa ra Thông cáo tổng kết. Văn kiện này kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Syria và đề nghị thành lập chính phủ chuyển tiếp với sự tham gia của tất cả các bên hữu quan.

img
Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Syria ngày 30.6 khiến ít nhất 38 người thiệt mạng.

Syria cần phải là một quốc gia dân chủ đảm bảo tôn trọng đầy đủ quyền con người. Trên cơ sở cuộc đối thoại quốc gia dự trù khả năng xem lại hiến pháp Syria, và sẽ do người dân của đất nước này thông qua. Thông cáo nhấn mạnh, sau khi xây dựng hiến pháp mới, dự kiến sẽ tổ chức bầu cử đa đảng và hình thành nội các mới. Quá trình cải cách chính trị ở Syria cần được tiến hành một cách hòa bình và nhanh chóng.

Trong khi đó, đại diện các nước dự cuộc họp ở Geneve đã không giải quyết được câu hỏi Tổng thống Syria Bashar Assad phải từ chức hay không. Đây là vấn đề then chốt, bộc lộ sự khác biệt về lập trường của Nga và các nước phương Tây đối với cuộc khủng hoảng Syria.

Cuộc đàm phán diễn ra tại Geneve được coi là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đang ngày càng tồi tệ hơn ở Syria, nhưng đã vấp phải những cản trở khi Nga - đồng minh lớn nhất của ông Assad - phản đối việc phương Tây và các nước Arập đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực.

Nga và Trung Quốc khăng khăng rằng người Syria sẽ phải quyết định cách thức thực hiện quá trình chuyển tiếp, chứ không phải để cho người khác áp đặt số phận của mình, dù 2 nước này đã ký vào bản thỏa thuận cuối cùng, trong đó không đưa ra lời kêu gọi từ bỏ quyền lực một cách rõ ràng đối với ông Assad.

Bản thông cáo cuối cùng nói rằng chính phủ chuyển tiếp cần được thành lập "trên cơ sở đồng thuận với nhau". Với chiến thắng nghiêng về phía Nga, cuộc đàm phán đã bỏ qua một nội dung trong bản dự thảo trước đó quy định rằng chính phủ chuyển tiếp sẽ không bao gồm những người mà sự tham gia của họ sẽ phá hoại quá trình chuyển tiếp và gây nguy hại cho sự ổn định và hòa giải.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 30.6 cho biết, Mỹ đã phát đi một thông điệp rõ ràng đến ông Assad rằng ông ta phải từ chức. Bà nói: "Ông Assad sẽ vẫn phải ra đi. Những gì chúng tôi làm ở đây là loại bỏ sự tưởng tượng rằng ông Assad và những người có bàn tay nhuốm máu có thể níu kéo quyền lực". Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng chung quan điểm với bà Clinton.

Nhà phân tích về Trung Đông Hayat Alvi của Trường Đại học Hải quân Mỹ cho rằng, ông nghi ngờ Chính phủ của ông Assad sẽ chấp nhận kế hoạch này và việc thực thi nó hầu như là không thể. Ông nói: "Mỹ và các cường quốc phương Tây sẽ không thể dễ dàng có được sự chấp thuận từ phía chính quyền Assad và các đồng minh của Syria, như Nga chẳng hạn. Bằng chứng là chính quyền Assad vẫn tiếp tục những hành vi bạo lực chống lại người dân...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem