Số phận đắng đót của người tạo ra “Phán quyết Bosman”

Thứ tư, ngày 01/05/2013 11:04 AM (GMT+7)
Dân Việt - Cách đây gần 2 thập kỷ, Jean Marc Bosman đã tạo nên vụ kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá thế giới để mở ra cơ hội cho các cầu thủ thế hệ sau trở thành triệu phú đá bóng.
Bình luận 0

Thế nhưng định mệnh lại không mang đến niềm vui tương tự cho chính chủ nhân của “Phán quyết Bosman”. Để rồi hôm nay, "người giải phóng cầu thủ" phải chua chát thốt lên rằng: "Tôi đã làm điều mà các cầu thủ khác chẳng dám làm. Tôi đã kết thúc một "chế độ nô lệ" của giới cầu thủ. Nhưng rồi nó đã hủy hoại cuộc sống của tôi”. 

img
Bosman đã (và phải) làm một điều mà đến tận bây giờ, ảnh hưởng của nó vẫn có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ.

Bước ngoặt vĩ đại

Jean Marc Bosman sẽ mãi là một cầu thủ vô danh nếu xét trên hệ quy chiếu vế năng lực chơi bóng. Cựu cầu thủ người Bỉ sinh năm 1964 này có một sự nghiệp chỉ ở mức trung bình khá với những dấu ấn đáng kể là thời gian chơi cho Standard de Liege, RFC Liege từ năm 1983 - 1990 và 20 trận đấu trong màu áo các đội tuyển trẻ của Bỉ.

Tóm lại, nếu dựa trên phương diện chuyên môn, Bosman còn khuya mới đạt tới đẳng cấp của những người đồng hương cùng thời như Enzo Scifo, Jean Marie Pfaff, Eric Gerets hay Luc Nilis…

Nhưng Bosman đã (và phải) làm một điều mà đến tận bây giờ, ảnh hưởng của nó vẫn có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Đó chính là “Phán quyết Bosman”.

Ngược dòng thời gian, vào năm 1990, Bosman khi ấy đã hết hợp đồng với RFC Liege và bị đẩy xuống đội trẻ, đồng thời bị giảm hơn 2/3 lương xuống còn 500 euro/tuần. Ngay sau đó, Bosman nhận được lời mời sang Pháp chơi bóng, nhưng RFC Liege đã gây khó dễ khi đưa ra mức phí chuyển nhượng cực cao thời đó (với một cầu thủ làng nhàng như Bosman) là 250.000 euro rồi tăng lên tới 400.000 euro. Tất nhiên, thương vụ này không bao giờ thành hiện thực.

Không nản chí, Bosman lại tìm kiếm được cơ hội sang Hà Lan khoác áo Maastricht. Nhưng, RFC Liege vẫn “đì” cầu thủ này bằng được để anh rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Trong cơn tuyệt vọng, Bosman đã kiện khắp nơi, từ Liên đoàn Bóng đá Bỉ, Liên đoàn Bóng đá châu Âu tới Liên đoàn Bóng đá thế giới. Vụ kiện này kéo dài tới 5 năm và cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về Bosman khi phán quyết của Tòa án châu Âu dựa trên Điều 39 về quyền tự do thay đổi nơi làm việc của người lao động trong Hiệp ước EC của Liên minh châu Âu.

Ngày 15.12.1995, “Phán quyết Bosman” ra đời và đó là một bước ngoặt vĩ đại khi cho phép các cầu thủ chuyên nghiệp trong Liên minh châu Âu được tự do chuyển tới các câu lạc bộ khác khi thời hạn hợp đồng của họ với câu lạc bộ chủ quản kết thúc.

Tiền hung, hậu… cũng hung

Mất quá nhiều thời gian theo đuổi vụ kiện, đến khi thắng kiện, Bosman đã 31 tuổi và không còn cơ hội chơi bóng đá đỉnh cao nữa. “Phán quyết Bosman” đã giúp vô số cầu thủ thế hệ kế tiếp có được cuộc sống vương giả với những vụ chuyển nhượng đình đám và mức lương cao ngất trời, nhưng bản thân Bosman thì lâm vào cảnh cơ cực, bần hàn.

“Tôi đã làm điều mà các cầu thủ khác không dám làm. Tôi đã kết thúc “chế độ nô lệ” của giới cầu thủ, nhưng chính điều đó đã hủy hoại cuộc sống của tôi”.

Cũng dễ hiểu vì sao, từ một vị thế của một cầu thủ có thể kiếm sống bằng nghề bỗng rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo khó, Bosman trở nên u uất. Cách đây gần 2 năm, trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi trên truyền hình, Bosman đã nói thẳng: “Trước đây, tôi có cơ hội trở thành một danh thủ. Nhưng bây giờ, chẳng còn ai nhớ đến tôi nữa”.

Không chỉ mất sự nghiệp, Bosman còn mất cả gia đình khi bị vợ bỏ. Những nỗ lực tái xây dựng sự nghiệp không thành khiến ông mắc bệnh trầm cảm. Khi quẫn bách, Bosman đã chọn rượu làm “bạn” và trở thành một con sâu rượu từ lúc nào không hay. 

img
Hiện tại cuộc sống với Bosman chẳng khác nào địa ngục.

Tất nhiên, số tiền trợ cấp thất nghiệp 1.000 bảng/tháng không thể đủ để Bosman trang trải cho… những cuộc nhậu tối ngày và nuôi con. Bí đủ đường, Bosman sinh tính cục cằn và đến tháng 12.2011, cựu cầu thủ này đã hành hung bạn gái vì bị cô… cấm uống rượu để rồi phải nhận cái án 1 năm tù.

Bây giờ, Bosman đã được tự do. Nhưng, cuộc sống với người đàn ông gần 50 tuổi này chẳng khác nào địa ngục. Nhờ có Bosman mà những Messi, Ronaldo, Ibrahimovic... có được cuộc sống trên cả tuyệt vời. Nhưng, liệu có ai nhớ tới “Phán quyết Bosman” và cảm ơn Jean Marc Bosman? Câu trả lời có lẽ là không! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem