Số phận kỳ lạ của 4 "nữ truyền nhân" của các danh nhân lịch sử Việt Nam

Chủ nhật, ngày 14/07/2019 19:31 PM (GMT+7)
Những nữ truyền nhân của các nhân vật lịch sử Việt nam cũng mang trên cuộc đời mình những số phận thật kỳ lạ...
Bình luận 0

1. Sương Nguyệt Anh

Sương Nguyệt Anh, chứ không phải Sương Nguyệt Ánh, như một số lầm tưởng của rất nhiều người suốt một thời gian dài, có tên thật là NguyễnThị Khuê, hoặc Nguyễn Ngọc Khuê, còn tên trong nhà là Năm Hạnh, là con gái thứ tư của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Nhưng lịch sử nhắc đến bà không chỉ vì là con gái của cụ đồ Chiểu, mà còn vì những đóng góp của bà trong nhiều lĩnh vực như báo chí, nữ quyền và thơ văn, cũng như sự bi ai mà số phận đặt lên đôi vai người phụ nữ của  bà.

img

Sương Nguyệt Anh được biết đến là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Tờ báo Nữ giới chung do bà phụ trách là tờ báo đầu tiên của phụ nữ được xuất bản tại Sài Gòn.

Tuy chỉ hoạt động vỏn vẹn gần 1 năm, nhưng tờ Nữ giới chung của chủ bút Sương Nguyệt Ánh đã gây được ấn tượng mạnh trong làng báo Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Tuy nhiên, về hành trạng cuộc đời, thì bà hết khóc cha rồi khóc chồng, hết khóc chồng rồi khóc con trong cái cảnh "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh"... Những nỗi đau cứ thế mà lấy hết nước mắt của bà, rồi không biết có như một sự trùng hợp của số phận, ánh sáng cũng rời khỏi đôi mắt bà trong những năm cuối đời. Bà qua đời năm 1922 , hưởng dương 58 tuổi.

Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta còn thấy lại nơi bà một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu; người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ giới chung nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt - (Việt Sĩ).

2. Hoàng Thị Thế

Hoàng Thị Thế, người con gái của vị anh hùng "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám, qua đời năm 1988, tại Bắc Giang, kết thúc một cuộc đời kỳ lạ vời vận mệnh khác thường, có thể xem là chưa từng ghi nhận....

Bà sinh ngày 31/3/1901 ở Phồn Xương, Yên Thế (Bắc Giang). Mẹ là Đặng Thị Nho, tục gọi là bà Ba Cẩn, người vợ thứ ba đồng thời là cộng sự của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám.

img

Tại vùng đất "oai hùng" Yên Thế, nơi từng diễn ra những cuộc phục kích liên tục, Hoàng Thị Thế đã bị người Pháp bắt vào tháng 6/1909 sau nhiều lần muốn tiêu diệt cuộc khởi nghĩa của phong trào nông dân Yên Thế và bắt sống thủ lĩnh Đề Thám.

Sau đó, mẹ bà là Đặng Thị Nho cũng bị bắt vào ngày 1/12/1909. Bà Ba Cẩn bị đày sang Guyanne (Pháp) và qua đời ở trại cách ly Alger trên đường đi vào ngày 25/11/1910.

Cha bà, Hoàng Hoa Thám sau đó cũng bị giết ngày 10/2/1913 (tức mồng 5 tháng Giêng Âm lịch).

Về phần Hoàng Thị Thế, sau khi theo học trường Tây ở Bắc Kỳ, bà được đưa sang Pháp vào năm 1917 cùng với gia đình một viên chức nhà Đoan. Bà được Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ) nhận làm con nuôi và cho bà theo học ở trường nội trú Jeanne D’Arc ở Biarritz (Pháp). Bà lấy tên là Marie Beatrice Destham.

Sau đó bà có thời gian làm thủ thư tại tại tòa Thống sứ Hà Nội trước khi quay trở về Paris.

Trở lại Paris, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống nước Cộng hòa Paul Doumer trở thành người cha đỡ đầu và cấp cho bà một khoản trợ cấp gây nên nhiều tranh cãi.

Năm 1930, bà tham gia vào nghệ thuật thứ 7, trong một bộ phim chuyển thể của điện ảnh Pháp và trở thành một trong những nữ diễn viên điện ảnh sớm nhất của Việt Nam...

Cuộc đời kỳ lạ của nữ truyền nhân của "Hùm Thiên Yên Thế", của nữ minh tinh màn bạc gốc Việt gần như trước nhất, khiến người ta không khỏi bật cười trước sự éo le của số phận, khi những người Pháp không thể gọi là vô can trong cái chết của người cha đẻ anh hùng, lại lần lượt nhận bà làm con nuôi và con đỡ đầu...

Sau này tất cả hành trạng của đời mình được bà chia sẻ lại trong một cuốn hồi kỳ bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch giả Lê Kỳ Anh( bút danh khác của nhà thơ Hoàng Cầm) chuyển ngữ với nhan đề Kỷ Niệm Thời Thơ ấu....

Một cuộc đời sóng gió, kỳ lạ và nhiều tranh cãi...

3. Thị Nghè - Nguyễn Thị Khánh

Bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, và là vợ một viên thư ký. Trịnh Hoài Đức viết:

"Có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè".

Nguyễn Cửu Vân là một nhân vật rất quan trọng và góp nhiều công cán giúp các chúa Nguyễn trong việc khẩn hoang và ổn định vùng đất Nam Bộ ngày nay. Con trai ông, Nguyễn Cửu Đàm, được xem là "kiến trúc sư" đầu tiên đã "quy hoạch" thành phồ Sài Gòn từ lúc khởi thủy. Tên tuổi của Nguyễn Cửu Đàm gắn liền với Lũy Bán Bích nổi danh một thời.

Về phần mình, bà Nghè Nguyễn Thị Khánh cũng được dân chúng quanh vùng kính trọng, không chỉ vì công cán của cha anh, mà chính bà cũng góp sức vào công cuộc khẩn hoang xây cầu tạo nên sự liền mạch giao thông trong vùng...

4. Nàng công chúa ẩn tu

Sử xưa chép rằng, từng có vị công chúa là em của vua Minh Mạng đến núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) để ẩn tu.

Nàng công chúa ấy tên gì và do cơ duyên nào rời bỏ cung vàng điện ngọc đến chốn cửa Thiền khoác áo nâu sồng, đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn? Rất ít sử liệu viết rõ về điều này, tuy nhiên trong nhiều bút ký của người phương Tây khi đến viếng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có nhắc đến. Bougainville khi mô tả vùng ven của các hòn núi Ngũ Hành Sơn đã viết:

"Gần các ngôi làng có một ngôi nhà nhỏ được trang hoàng xinh xắn. Đây là nơi ẩn cư trong thời gian dài của một người em nhà vua; bà này đã sống tại đây, xa lánh mọi người trong sự tịnh tâm".

img

Một bút ký khác miêu tả rõ hơn:

"Đây là một thạch thất, là nơi mà một nữ trinh nguyên luống tuổi, con vua Gia Long em vua Minh Mạng đang làm vua tại Nam Kỳ, đã muốn đổi những tiếng ồn vô ích tại triều đình, để lấy về những âm thanh u huyền của gió mùa đông bắc rì rầm xuyên qua các hòn núi đá. Đổi sự nhộn nhịp của những gì cao sang vua chúa để lấy về sự tĩnh mịch lắng trầm; đổi sự sang trọng xa hoa của ngôi cao công chúa để lấy về một vẻ đẹp đời thường và nghiêm khắc của một chiếc áo mộc mạc mà thiên nhiên đã ôm ấp...".

Nhưng theo một số sử liệu của đất cố đô, thì nàng công chúa, con gái Vua Gia Long, và em gái vua Minh Mạng ấy, là Công Chúa Nguyễn Phúc Ngọc Ngôn.

Và cớ sự để khiến bà từ bỏ hoàng triều nhung lụa mà dẫn vào sơn tự tu hành xa lánh trần thế liên quan đến vụ án vua Minh Mạng xử Lê Văn Khôi tạo phản. Lê Văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Còn công chúa Ngọc Ngôn lại được gả cho ông Lê Văn Yến, người được xem là con thờ tự của ngài Tả Quân...

Và liên lụy khôn lường từ những âm mưu xảo trá mang màu sắc chính trị, khi vua anh Minh Mạng xử tử chồng bà và đày các con nhỏ của bà lên Cao Bằng, khiến bà uẩn ức trong cái thế "lòng bàn tay cũng là thịt, mà lưng bàn tay cũng là thịt". Đau lòng đến thế thôi!

Nhà nghiên cứu Nguyễn Công Thuần kể rằng:

"Vì thế lúc bấy giờ, nàng chỉ biết tìm sự giải thoát qua câu kinh tiếng kệ ở chốn thiền môn. Tuy nhiên, ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhiều người nói rằng, em gái vua Minh Mạng đã xin xuất gia thọ giới với ngài Viên Trừng tại chùa Tam Thai với cái tên là Ngọc Lan. Ý kiến khác nói, sau khi rời động Huyền Không, Ngọc Lan đã đến tu hành và lập chùa ngay trong động Phổ Đà Sơn, ban đầu chỉ là một am nhỏ được xây dựng ẩn kín trong hang. Về sau vua Minh Mạng tới thăm và cho tu sửa lại chùa... Về tên của công chúa, thì sau khi xuất gia, công chúa Ngọc Ngôn đã đổi tên thành Ngọc Lan. Sau này, khi được vua Tự Đức minh oan, công chúa Ngọc Ngôn đã rời Ngũ Hành Sơn trở về sống với các con tại phủ thờ Vọng Các công thần Lê Văn Duyệt ở thôn Phú Mộng (P. Kim Long, thành phố Huế). Đến năm 1854, bà đã được vua Tự Đức phong An Nghĩa Thái trưởng công chúa. Bà qua đời năm 1856, mộ đặt gần mộ ông Lê Văn Yến ở làng Nguyệt Biều tổng Cư Chánh, huyện Hương Thủy".

Lạc Thư Trầm (Ohay)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem