Covid-19: Số tiền chữa cho bệnh nhân 91 là phi công sẽ vượt con số 5 tỷ đồng

Bạch Dương Thứ tư, ngày 13/05/2020 13:07 PM (GMT+7)
Ngày 13/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, bệnh nhân 91 phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiếp tục có tiên lượng xấu. Hai phổi của bệnh nhân này đã xơ hoá, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động.
Bình luận 0
Số tiền chạy chữa cho bệnh nhân phi công 91 sẽ vượt con số 5 tỷ - Ảnh 1.

Bệnh nhân phi công 91 phải tiếp tục điều trị ECMO trong thời gian dài.

Hiện tại, tình trạng bệnh nhân không sốt, mạch và huyết áp ổn định, có dùng thuốc vận mạch liều thấp, đang tiếp tục dẫn lưu màng phổi, lọc máu. Nam phi công người Anh phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (tim phổi nhân tạo).

Chiều 12/5, Bộ Y tế tiếp tục hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện lớn từ 3 miền. Sau khi xem xét tình hình, các chuyên gia có chỉ định ghép phổi cho nam phi công.

Tuy nhiên, trước khi ghép, bệnh viện phải có sự chuẩn bị tốt nhất, đó là bệnh nhân đã hoàn toàn sạch virus SARS-CoV-2, điều trị nhiễm trùng tích cực. Khi được khẳng định sạch virus, bệnh nhân sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để chuẩn bị ghép phổi.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn cho hay, nam phi công đang trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Do vậy, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nguy cơ phổi trở thành "ổ vi khuẩn". Các bác sĩ chưa nhận định được khả năng phục hồi của người bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết: "Bệnh viện đang làm lại toàn bộ xét nghiệm để đánh giá chức năng của phổi, tim mạch và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, tiếp tục các xét nghiệm tầm soát vi khuẩn bội nhiễm. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn để xem xét tình hình". 

Hội đồng chuyên môn đã xem xét khả năng chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép phổi. Tuy nhiên, nam phi công chưa đủ điều kiện ghép phổi và còn nhiễm trùng nặng nên tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Tính đến hôm nay (13/5), bệnh nhân phi công người Anh đã điều trị 56 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đó có 37 ngày can thiệp EMCO.

BS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân 91 đang do bệnh viện chi trả, đã lên tới trên 5 tỷ đồng, trong đó "nặng" nhất là chi phí chạy EMCO liên tục 37 ngày và các loại thuốc đặc hiệu mua từ nước ngoài. 

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân 91 có thể còn phải tiếp tục sử dụng giải pháp đắt đỏ là can thiệp ECMO thêm nhiều ngày nữa, có thể tính bằng tháng, nên chi phí tiếp tục tăng cao.

Về chi phí cho một ca ghép phổi từ người hiến tặng đã chết não hoặc người cho còn sống là người thân của bệnh nhân sẽ từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, tùy tình trạng, thể trạng của bệnh nhân.

BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, phi công người Anh không có bất cứ thân nhân nào tại Việt Nam.

"Ngay cả khi tìm được tạng hiến tặng hoặc bệnh nhân có người nhà từ Anh sang hiến tạng, thì các bác sĩ điều trị còn phải hội chẩn đánh giá xem có thể tiến hành ghép được không, phổi người hiến tặng có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch không. Người hiến và người nhận chỉ được phép chênh lệch chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%... thì mới đủ điều kiện để ghép", BS Châu cho biết.

Về chi phí của bệnh nhân 91, theo thông tin từ ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện tại Nhà nước Việt Nam vẫn đang chi trả khoản tiền này và sẽ sớm trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam về vấn đề chi phí điều trị cho bệnh nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem