Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình NTM, việc thành lập và hoạt động của các HTX đã góp phần cùng các thành phần kinh tế khác cung cấp nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài thành phố, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn gắn với xây dựng NTM.
Tăng tốc hỗ trợ
Sơ chế ớt tại HTX Mặt trời mọc (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: Trần Đáng
Tính đến tháng 9/2019, 5 huyện có 76 HTX với 1.370 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Giá trị sản xuất của các HTX nông nghiệp năm 2018 đạt 543.484 triệu đồng, đóng góp 2,5% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp toàn thành phố. Lợi nhuận HTX đạt hơn 460 triệu đồng/HTX. |
Theo ông Nguyễn Văn Phụng - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh, trong giai đoạn xây dựng NTM từ năm 2010 - 2019, huyện đã thành lập mới 22 HTX, 55 tổ hợp tác (THT). Đến nay, trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có 55 THT với 712 tổ viên và 28 HTX (trong đó 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp) với 4.203 hội viên đang hoạt động.
“16/16 xã trên địa bàn đã hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất. Tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn gặp nhiều thuận lợi, người dân được hỗ trợ tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Phụng nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước An (Bình Chánh) cho biết, nhờ chính sách hỗ trợ của thành phố mà HTX ngày càng phát triển. Sản phẩm của HTX Phước An đã đủ điều kiện và được tham gia chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi liên kết.
Tại huyện Cần Giờ, UBND huyện cho biết, trước khi thực hiện chủ trương xây dựng NTM, trên địa bàn huyện có 4 HTX. Đến cuối năm 2018, Cần Giờ đã có 12 HTX và 22 THT.
UBND huyện cho biết thêm, để phát triển HTX, THT, huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức sản xuất liên kết; hỗ trợ thành lập mới 9 HTX và 4 THT đánh bắt thủy sản xa bờ; tổ chức củng cố hoạt động HTX Nông nghiệp - Dịch vụ muối và các sản phẩm từ muối Thiềng Liềng.
Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Sở NNPTNT thành phố xây dựng logo, thương hiệu cho 4 HTX và 2 THT. Hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho 3 HTX với số tiền 270 triệu đồng; hỗ trợ, hướng dẫn HTX Thuận Yến xây dựng mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Đổi mới HTX
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể, UBND thành phố đã ban hành đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX, hỗ trợ vốn tín dụng cho HTX...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã chỉ đạo, giao 5 huyện trên địa bàn thành phố thành lập HTX nông nghiệp tiên tiến hiện đại phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất gắn với liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân. Qua đó, các huyện đã lựa chọn hỗ trợ 7 HTX triển khai thực hiện mô hình HTX tiên tiến hiện đại. Qua gần 4 năm thực hiện, 3/7 HTX đã thực hiện thu mua 80 - 100% sản phẩm do hộ thành viên cung cấp. Từ việc chỉ thu mua sản phẩm thô, nay HTX đã thực hiện sơ chế chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Thái Quốc Dân - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM thành phố nhận xét, nhận thức về kinh tế tập thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân 56 xã NTM qua 10 năm đã có những bước chuyển biến tích cực. Vai trò tất yếu của kinh tế tập thể được cán bộ, quần chúng hiểu rõ hơn; sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và xã hội về phát triển các hình thức kinh tế tập thể ngày càng nhiều.
Công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, các HTX, THT từng bước vượt qua khó khăn, thu nhập của cán bộ quản lý và thành viên HTX ngày càng tăng, tạo được sự tín nhiệm của các hộ nông dân trên địa bàn thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.