Somalia vật vã trong nạn đói

Chủ nhật, ngày 24/07/2011 09:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên Hợp Quốc đã phải sử dụng cụm từ "nạn đói" để miêu tả tình trạng thiếu đói nghiêm trọng tại Somalia hiện nay, khi mỗi ngày có hàng chục, thậm chí hàng trăm người chết đói ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này.
Bình luận 0

Việc LHQ phải công bố “nạn đói” có nghĩa là cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực này khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng xấp xỉ 40% dân số, và phải có từ 1-5/100.000 người bị chết đói mỗi ngày, kèm theo đó là hiện tượng chạy nạn ồ ạt và bán tháo tài sản, súc vật.

img
Trẻ em chỉ còn da bọc xương trong các trại tị nạn của người Somalia.

Vượt biên tìm thức ăn

Sau chuyến thực tế tình hình tại hai khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nạn đói là Bakool và Lower Shabelle ở miền Nam Somalia, các nhân viên của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã viết báo cáo về thực trạng nạn đói tại đây, trong đó có đoạn: “Cảnh tượng vô cùng thương tâm. Ngổn ngang khắp nơi là những con người gầy trơ xương vì thiếu ăn lâu ngày. Đặc biệt đau xót là những đứa trẻ. Ở chúng dường như chỉ còn đôi mắt là còn mang sinh khí trên cơ thể chỉ còn da bọc xương. Những đôi mắt ấy luôn ngước nhìn chúng tôi như để khẩn cầu, và chúng tôi đã bị ám ảnh ánh mắt của bọn trẻ suốt nhiều ngày”.

Đoạn báo cáo trên mới chỉ lột tả được một phần thực trạng thiếu đói mà Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) miêu tả là “kinh hoàng” ở Somalia. Theo LHQ, gần một nửa dân số Somalia (3,7 triệu người) đang trong tình trạng khủng hoảng lương thực, trong đó ước tính có khoảng 2,8 triệu người ở miền Nam. Tình hình ở Nam Somalia nghiêm trọng đến mức mỗi ngày có hơn 3.000 người tuyệt vọng phải vượt biên sang các nước láng giềng là Ethiopia và Kenya để đi tìm lương thực. Trong số những người chạy nạn, có hơn 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Hiện có hơn 370.000 người vượt biên từ Somalia được nhồi nhét vào các trại tị nạn như Dadaab ở phía bắc Kenya. Số khác lại tìm đường tới thủ đô Mogadishu của Somalia mong được Chính phủ ban phát chút thức ăn để cầm hơi. Trong chuyến thị sát tới Mogadishu hôm 21.7, Giám đốc điều hành của WFP tại Somalia, ông Josette Sheeran đã phải thốt lên rằng: “Có quá nhiều người đang và sắp chết đói trên đường phố. Nơi đây như thể đang trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc”.

Các chuyên gia cho biết, kể từ khi LHQ lần đầu tiên công bố nạn đói ở Somalia năm 1992, đến nay quốc gia vùng Sừng châu Phi này lại tiếp tục hứng chịu nạn đói do đợt hạn hán kéo dài nhất kể từ 60 năm qua, khiến mùa màng thất bát trong khi giá thực phẩm không ngừng leo thang. Tại thủ đô Mogadishu, một bao ngô 50kg hiện được rao bán tới 40 euro, cao gấp 10 lần so với năm ngoái. Giá này đã vượt xa tầm tay người dân của một đất nước vốn đã điêu tàn sau 20 năm nội chiến.

LHQ họp khẩn cấp

Ngày 22.7, đại diện LHQ tại vùng Sừng châu Phi cho biết, tổ chức này đang xúc tiến một cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về phản ứng đối với nạn đói đang làm hàng chục nghìn người chết ở Somalia. FAO cho biết, 191 thành viên LHQ cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các ngân hàng phát triển của Pháp – nước chủ tịch hiện nay của nhóm G20 -sẽ tham dự cuộc họp về tình hình này và sẽ đưa ra các cam kết về viện trợ cho Somalia.

Mục tiêu chủ yếu của cuộc họp sẽ tập trung tìm cách phân phối hàng viện trợ an toàn và hiệu quả tới Somalia. Quốc gia châu Phi này vẫn đang thiếu một chính phủ có đủ năng lực điều hành kể từ khi cựu Tổng thống Somalia Mohamed Siad Barre bị lật đổ vào năm 1991. Đầu tháng 7 này, chính quyền Al-Shabab mà Mỹ tố cáo là một “tổ chức khủng bố” đã dỡ bỏ một lệnh cấm hoạt động đối với các tổ chức nhân đạo quốc tế, trong đó có WFP. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ vẫn không tin tưởng rằng hàng viện trợ sẽ được Al-Shabab phân phối đầy đủ tới người dân.

Giám đốc WFP Sheeran cho biết, tổ chức này sẽ bắt đầu vận chuyển lương thực tới Somalia bằng máy bay vận tải trong vài ngày tới. Các chuyên gia của WFP sẽ tiến hành khảo sát các vị trí thuận lợi tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói như Bakool và Lower Shabelle để thiết lập một “vựa lương thực” cung cấp thức ăn cho người dân Somalia trong nhiều ngày. “Nhiều người ở miền Nam Somalia đang rất kiệt quệ và đói lả nên không thể đi tìm kiếm thức ăn, vì thế chúng tôi sẽ mang lương thực tới cho họ. Chúng tôi cũng đang thiết lập các tuyến vận chuyển lương thực cả bằng đường không và đường bộ tới những khu vực đói khổ nhất” - ông Sheeran cho biết thêm.

Cần trách nhiệm của quốc tế

Một ngày sau khi LHQ công bố nạn đói tại 2 khu vực ở miền Nam Somalia, WFP tiếp tục cảnh báo đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua tại vùng Sừng châu Phi, đang đe dọa cướp đi mạng sống của hàng triệu người dân tại nhiều quốc gia như Kenya, Ethiopia và Djibouti. WFP lo ngại rằng, tình hình sẽ còn xấu đi rất nhiều khi mùa khô đang có xu hướng kéo dài hơn, khắc nghiệt hơn và sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác.

Hai mùa mưa (tháng 10.2010 và tháng 4.2011) đều không diễn ra như dự kiến đã đẩy cuộc sống người dân vùng Sừng châu Phi vào cảnh cùng cực. Nông dân không thể trồng trọt, cấy hái trong cả một năm qua, nguồn thức ăn cho vật nuôi cũng cạn kiệt kéo theo sự sụt giảm về số lượng đàn gia súc.

Theo WFP, không chỉ 2,8 triệu người ở miền Nam Somalia đang lâm vào cuộc khủng hoảng đói, mà 4,2 triệu người tại Kenya, chừng đó tại Ethiopia và 117.000 người tại Djibouti cũng đang phải vật lộn với miếng ăn hàng ngày. Nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế cáo buộc các quốc gia giàu có trên thế giới cố tình làm ngơ nên đã để xảy ra tình trạng như hiện nay tại vùng Sừng châu Phi. Mặc dù LHQ kêu gọi 3 “đại gia” của thế giới là Pháp, Italia và Đan Mạch đóng góp 1 tỷ USD để ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại vùng Sừng châu Phi, nhưng các nước này chỉ đóng góp 200 triệu USD.

Ông Mark Bowden - Điều phối viên nhân đạo cho Somalia của LHQ cho biết, chỉ riêng Somalia, số tiền dành cho viện trợ nhân đạo trong 2 tháng đã cần đến 300 triệu USD. Ông Bowden cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể sẽ lan rộng đến 6 khu vực khác nữa tại miền Nam Somalia nếu như các quốc gia phương Tây tiếp tục trì hoãn các khoản viện trợ. Đây có thể được xem là hành động thiếu trách nhiệm khi rất nhiều các quốc gia phương Tây đang thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc khai thác khoáng sản ở lục địa đen.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem