Sơn La: Tham gia giết mổ, ăn thịt trâu chết, 9 người bị bệnh Than

Tuệ Linh Thứ tư, ngày 13/04/2022 20:34 PM (GMT+7)
Cả 9 người bị bệnh Than này đều có tiền sử tham gia giết mổ, ăn thịt trâu chết tại gia đình một người dân ở xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Theo thông tin PV Dân Việt nắm được, ngày 8/4, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu đã ghi nhận 9 người nhiễm bệnh Than tại các bản Nong Giẳng, Nong Lay và Huổi Lọng. Các bệnh nhân này đều có tiền sử tham gia giết mổ, ăn thịt trâu chết tại gia đình ông Xuấn tại bản Nong Giẳng. 

Trong đó có 7/9 trường hợp phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu để điều trị. Ngoài ra còn nhiều người đang tiếp tục theo dõi phát hiện bệnh trong thời gian tới.

Tối nay (13/4), trao đổi với PV Dân Việt, bác sỹ Hà Việt Phương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu xác nhận sự việc trên và cho biết: Các bệnh nhận đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện. Hiện, sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định.

Sơn La: Tham gia giết mổ, ăn thịt trâu chết, 9 người bị bệnh Than - Ảnh 1.

Để chủ động phòng chống bệnh Than, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu khuyến cáo người dân không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh... Ảnh: BVĐK huyện Thuận Châu.

Theo đó, bệnh Than trên người hay bệnh Nhiệt Thán trên động vật là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền từ động vật sang người qua vết thương hoặc qua đường tiêu hóa do ăn thức ăn chưa được nấu chín như tiết canh, nạp…do trực khuẩn Than Bacillus anthrasis. Bệnh thường xuất hiện ở động vật ăn cỏ và lây truyền sang người có thể thành dịch với tỷ lệ tử vong cao.

Nguồn lây bệnh chủ yếu từ trâu, bò, ngựa bị mắc bệnh rồi lây sang người qua việc giết mổ và ăn thịt gia súc bị mắc bệnh hoặc vi khuẩn Than từ động vật mắc bệnh gây ô nhiễm đất, nước từ đó lây sang người tiếp xúc.

Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào từng thể bệnh lâm sàng, có thể từ vài giờ đến 43 ngày (thể phổi), đa số các trường hợp xuất hiện triệu chứng trong vòng 48 giờ sau khi phơi nhiễm. Thời gian ủ bệnh trung bình là 30 ngày.

Bệnh Than có các biểu hiện như sau: Thể da: Lúc đầu ngứa, sau đó nổi mụn nước, tạo vết loét màu đen thường không đau, hay gặp ở cánh tay, bàn tay, xung quanh miệng và đầu gối.

Thể phổi: Triệu chứng tương tự như viêm đường hô hấp thông thường nhưng tiến triển nhanh gây ra khó thở nặng và sốc. Thể ruột hiếm gặp: Đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết. Thể màng não hiếm gặp: Khởi phát cấp tính sốt cao có thể kèm co giật, mất ý thức, các dấu hiệu và triệu chứng viêm màng não.

Mọi người đều có thể mắc bệnh Than. Đặc biệt những người thường xuyên tiếp xúc với động vật ăn cỏ hay các sản phẩm làm từ các động vật này có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Để chủ động phòng chống bệnh Than, Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các bệnh pháp sau: Không giết mổ, không ăn, không sử dụng, không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi gia đình hoặc hàng xóm hoặc phát hiện người buôn bán động vật mắc bệnh chết cần báo ngay cho chính quyền địa phương như: Trưởng bản, nhân viên thú y, nhân viên y tế, công an hoặc UBND xã để có hướng xử lý.

Sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, khẩu trang, tạp dề, ủng cao su khi tham gia các hoạt động chế biến thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, lao động nông nghiệp ở vùng có nguy cơ bệnh Than. Phải rửa tay, chân sạch bằng xà phòng hoặc ngâm tay, chân vào dung dịch khử trùng chứa Clo với nồng độ 0,5% Clo hoạt tính trong 1 phút rồi rửa kỹ lại bằng nước sạch.

Khai báo kịp thời cho trưởng bản, nhân viên y tế khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh Than. Không sử dụng nước vôi hay vôi bột để xử lý trong ổ dịch Than vì vôi bột làm tăng khả năng tồn tại của nha bào Than trong môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem