Sơn La: Về Mộc Châu xem nông dân làm giàu

Nguyễn Xuân Tuấn Thứ sáu, ngày 31/08/2018 08:30 AM (GMT+7)
“Mộc Châu đang khởi sắc nhiều hơn, mạnh hơn, bền vững hơn và lan tỏa ra khắp các vùng miền, các dân tộc. Có thể thấy điển hình làm giàu của nông dân ở khắp cách địa bàn, các dân tộc, với nhiều cấp độ khác nhau và đang được chúng tôi quan tâm nhân rộng”, ông Phạm Đức Chính - Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La), tâm sự như vậy.
Bình luận 0

Đánh thức tiềm năng đến từng nông hộ

Mộc Châu là vùng đất nhiều người đã nghe tên hoặc đến tham quan du lịch bởi những lễ hội đặc sắc và cảnh đẹp, cây trái, sản vật nơi đây. Đến với Mộc Châu, ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự trù phú của vùng cao nguyên này nhưng ít ai biết rằng Mộc Châu là địa bàn có nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp với 3 vùng kinh tế có đặc điểm rất khác nhau.

Vùng dọc Quốc lộ 6 tuy khá thuận lợi nhưng dải đất hẹp, ít bằng phẳng; vùng cao biên giới thì độ dốc lớn, đất đai bị chia cắt dữ dội và thường xuyên có sương muối, giá lạnh, băng tuyết, sạt lở đất, lũ quét; vùng dọc sông Đà thì nắng nóng, mưa nhiều, đất dốc và hạ tầng, nhất là giao thông còn hạn chế… Nhưng chính trong cái khó khăn ấy, Đảng bộ Mộc Châu đã tìm ra những hướng phát triển phù hợp, tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững trong đời sống người dân.

Tại những xã vùng cao, biên giới Việt – Lào như Lóng Sập, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn – vốn là những xã vùng 3 của huyện Mộc Châu nhưng nay đã thấy có những tiến bộ không nhỏ. Nói về quê hương mình, ông Vì Văn Chung - dân bản Chiềng Khửa, xã Chiềng Khừa, bảo: “Cái xã này trước đây người ở thị trấn không chỉ ngại vào công tác mà khi đã vào công tác thì còn… ngại về, vì lúc ở thì cuộc sống khó khăn, lúc về thì đường sá không thuận lợi. Nhưng bây giờ thì nhiều người ở huyện vẫn vào Chiềng Khừa làm việc, sáng đi – trưa về đấy”.

Cũng theo ông Chung thì từ trước đến nay, nói đến Chiềng Khừa thì ngoài “thế mạnh nắng bụi, mưa lầy, quê tôi có thêm đói nghèo, lạc hậu” nhưng bây giờ thì có nhiều hộ khá, hộ giàu rồi.  “Đó là nhờ những chính sách phát triển cây trồng trên đất dốc của huyện được triển khai rất mạnh. Hàng trăm hộ đã có những vườn cây ăn trái như mận hậu, xoài, nhãn, hồng giòn… với diện tích từ vài ngàn m2 tới 1-2ha. Hộ nào ít đất thì tính chuyện chăn nuôi, ít vốn thì nuôi gia cầm, nhiều vốn và kiên trì thì nuôi gia súc. Nhà tôi cũng làm theo cách ấy trong 7 năm qua và đến nay đã có 14 con bò rồi đấy. Cứ kiên trì tích tụ, bóp bụng, bóp dạ một chút là mỗi năm tôi sẽ có thêm ít nhất 5-7 con bê đấy” – ông Chung tự hào bảo vậy.

img

Hồng giòn, đu đủ… là những lợi thế nông hộ đang được nông dân Mộc Châu phát huy thành hàng hóa, giúp xóa nghèo, làm giàu.  ảnh: Xuân Tuấn

Ông Phí Văn Mạnh - nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, bảo: Mộc Châu không chỉ chỉ rõ những lợi thế của từng địa bàn mà cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân ở đây còn giúp nông dân thấy rõ lợi thế của từng hộ. Vì thế, khi ý chí làm giàu và lợi thế phát triển kinh tế của mỗi hộ được khai thác triệt để thì tạo thành một sức bật chung rất lớn.

Như ở Chiềng Sơn, hộ nào làm chè thì đầu tư làm chè, ai trồng cây ăn quả thì được tập huấn về cây ăn quả; ai làm chăn nuôi, ai thâm canh ngô, lúa nước… đều được quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hội Nông dân còn đứng ra giúp nông dân vay vốn, mua giống và phân bón, vật tư sản xuất theo kiểu trả chậm, giá rẻ, chất lượng đảm bảo nên nông dân rất tin và làm theo cán bộ Hội.

Khi thế mạnh được phát huy tổng lực

Đến với Mộc Châu hôm nay, mọi du khách có thể thấy được sự trù phú của vùng quê này. Không chỉ biết đánh thức lợi thế kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà Mộc Châu đã biết gắn những lợi thế ấy để tạo ra sức mạnh “xuất khẩu tại chỗ” – kinh tế du lịch. “Bây giờ nói đến Sơn La là người ta nghĩ đến Mộc Châu và ai đã đến Mộc Châu là họ coi như đã đến Sơn La.

Ở Mộc Châu có sự hội tụ của hầu hết các thế mạnh về kinh tế, văn hóa, văn nghệ của cả tỉnh. Người dân Mộc Châu cũng rất có ý thức phục vụ chung, văn minh đi cùng bản sắc nên có sức hút rất lớn. Người Mông chúng tôi đây làm được du lịch homestay cũng là nhờ vào sự nỗ lực chung ấy, cộng đồng này đã mời gọi và giữ chân khách giúp chúng tôi” – chàng trai dân tộc Mông đã cất bằng cử nhân kinh tế để làm du lịch homestay trên đất Vân Hồ, bảo vậy.

img

Đến Mộc Châu, người ta không chỉ thấy những loại hình thu hút khách du lịch từ cái mới, cái đẹp như: Vườn hoa tam giác mạch, đồi chè trái tim, thác Dải yếm, rừng thông bản Áng hay vườn hoa Nhiệt Đới với cả triệu bông hoa lan, hoa ly đua sắc tỏa hương mỗi ngày… mà ở nơi đây, đến cả trang trại chăn nuôi gia súc cũng thành một điểm đến hút khách. Những chuồng trại nuôi bò sữa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ sạch sẽ về rác thải hữu cơ mà còn sạch cả về không khí đã hút cả ngàn khách đến tham quan, mua sắm nông sản từ sữa mỗi ngày.

Vợ chồng chị Nguyễn Lan Anh, du khách đến từ phố Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội), dẫn theo 4 đứa trẻ đến thăm trang trại nuôi bò sữa ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Chị tâm sự: Khi chúng tôi quyết định đưa các con cháu lên thăm Mộc Châu thì cũng không ngờ rằng có thể đưa trẻ vào những khu chăn nuôi như thế này để tận mắt thấy bò được cho ăn, tắm rửa, nghe nhạc khi vắt sữa… Dù chuồng bò có cả trăm con nhưng không thấy rác bẩn và mùi hôi. Tôi nghĩ Mộc Châu đã biết gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch rất tốt”.

Ông Nguyễn Đại Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tâm sự: Mộc Châu chúng tôi đã thật sự là một huyện kinh tế động lực của tỉnh Sơn La. Đến với Mộc Châu, có thể thấy những khởi sắc rất lớn, cả bề rộng và bề sâu để chúng tôi gắn xóa nghèo với làm giàu bền vững.

Người Mộc Châu hôm nay đã có những nông sản, những sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích và dễ tìm kiếm mua bán, trao đổi bởi đã có chỉ dẫn địa lý như: Chè Mộc Châu, sữa Mộc Châu, mận hậu Mộc Châu, bơ sáp Mộc Châu, rau xanh Mộc Châu, hoa tươi Mộc Châu…

"Chúng tôi cũng đã gây dựng và nhân rộng niềm tự hào ấy vào mỗi người dân để cả Mộc Châu cùng đồng lòng phát triển kinh tế gắn với du lịch, gắn làm giàu với lịch sự - văn minh. Ở đây có những phong trào mà ít nơi có được: Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh… tham gia bảo quản đường làng, ngõ xóm, an ninh trật tự rất hiệu quả; hoặc Phụ nữ nói không với túi nylon khi mua hàng… Sự hưởng ứng và hiệu quả cao trong mỗi phong trào ấy cho thấy Mộc Châu chúng tôi đang phát triển nhanh, mạnh và bền vững...", ông Thắng khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem