Sống “ẩu”, dễ lây bệnh từ động vật

Diệu Linh Thứ tư, ngày 26/08/2015 12:26 PM (GMT+7)
Chỉ trong vài năm gần đây, thế giới ghi nhận hàng chục loại bệnh mới nổi nguy hiểm, trong đó đa số là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, những bệnh đã đi vào “lịch sử” lại nhăm nhe quay trở lại, bùng phát mạnh hơn, độc lực lớn hơn.
Bình luận 0

Hơn 200 bệnh

Ngày 25.8, Bộ Y tế Việt Nam phối hợp Bộ Y tế Indonesia tổ chức hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2015, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ các tổ chức quốc tế, ngành y tế các nước.

img

Kiểm dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật lây sang người, tại Sân bay Nội Bài (Hà Nội).  Ảnh: Tuấn Kiệt 

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho đến nay thế giới đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những bệnh này có thể được phân loại theo dạng và tác nhân gây bệnh, như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm hay các tác nhân truyền nhiễm khác.

Từ vật nuôi như gà vịt, chó mèo hay động vật hoang dã như khỉ, dơi, chim, từ con to như lạc đà đến nhỏ như chuột, bọ chét… đều có thể là các “ổ” bệnh lưu động, có thể gây bệnh lẫn nhau và truyền sang người. Mức độ của bệnh tật cũng không giới hạn, có thể chỉ giảm sút sức khỏe (bệnh nhiễm trùng đường ruột) nhưng cũng rất nhiều bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe con người với tỷ lệ tử vong rất lớn như bệnh Ebola, bệnh dại…

Bà Pratibha Mehta – điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, khoảng 60% các bệnh ở người được tin là có nguồn gốc từ động vật, và có tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể có nguồn gốc từ động vật. Hầu hết các bệnh này đều có tính truyền nhiễm và có thể gây ra các đại dịch lớn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật, có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao như cúm A (H5N1), cúm A (H7N9) từ gia cầm, SARS từ dơi, Ebola từ dơi, MERS-CoV từ lạc đà… “Các bệnh mới nổi diễn biến ngày càng phức tạp hơn, các chủng virus biến đổi không ngừng, khiến cho ngành y tế nhiều khi rơi vào bị động, không kịp thời đưa ra các biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát hoặc có phương pháp điều trị phù hợp để hạn chế tử vọng” – Thứ trưởng Long chia sẻ.

Nhiễm bệnh vì lối sống

TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước “nhạy cảm” dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Nguyên nhân đầu tiên là thói quen chăn nuôi của người dân như chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi gà vịt, trâu bò gần với nơi ở của người, việc vệ sinh chuồng trại không tốt, tạo môi trường cho dịch bệnh phát triển và lây lan. Ngoài ra, tập tục ăn uống như ăn tiết canh, ăn nem, gỏi, thịt sống... cũng khiến nhiều người dân mắc các bệnh nguy hiểm như liên cầu lợn, sán, cúm A (H5N1).

“Ngay cả bệnh dại có cách phòng bệnh rất đơn giản là tiêm vaccine cho chó (gần 20.000 đồng/con) nhưng người dân vẫn tiếc tiền. Đến khi có người bị cắn thì lại phải đi tiêm vaccine cho người, đắt hơn gấp 100 lần (gần 2 triệu đồng/lượt điều trị). Do đó nhiều người bị chó cắn nhưng không có tiền hoặc tiếc tiền không tiêm vaccine, dẫn đến tử vong. Các bài học nhãn tiền nhưng người dân vẫn không thay đổi tập tục nuôi chó đàn, thả rông, không tiêm vaccine” – TS Phu phân tích.

Theo ông Phu, hiện nay, độc lực của các bệnh có xu hướng ngày càng tăng, việc giao lưu giữa các nước trở nên phổ biến, con người thích vào rừng rậm để khám phá sẽ “chở” ra bên ngoài thế giới văn minh nhiều bệnh lạ, bệnh nguy hiểm lây từ các động vật hoang dã. Do bệnh mới nên khi bùng phát, các nước sẽ khó nhận biết là bệnh gì, điều trị ra sao, ngăn chặn thế nào. Sự chậm trễ đó là nguyên nhân khiến nhiều bệnh bùng phát trên diện rộng, tỷ lệ tử vong cao như dịch SARS năm 2003, dịch cúm A (H1N1), dịch Ebola năm 2015 vừa qua…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, việc ngăn chặn dịch bệnh cần sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các ban ngành. Đặc biệt ngành nông nghiệp thú y cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh từ gia súc, gia cầm sẽ hạn chế được bệnh lây sang người. Đồng thời, nông dân cũng cần chủ động thay đổi tập quán chăn nuôi, ăn uống thì mới tránh được nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem