Sống - chết với “tử thần chiến tranh”: Người thành góa phụ, kẻ sống ngục tù

Ngọc Vũ Thứ tư, ngày 26/12/2018 06:16 AM (GMT+7)
Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, bỏ mạng cho tử thần, nghề rà tìm phế liệu chiến tranh còn để lại bao hệ lụy: Đó là cảnh vợ góa con côi, nghèo đói dai dẳng, không ít người còn vướng vào vòng lao lý.
Bình luận 0

Nỗi ám ảnh ở… xóm không chồng

Ông Phạm Văn Phương (thôn Tân Hiệp, Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị) là người buôn bán phế liệu chiến tranh hơn 30 năm nay cho biết, thời cao điểm những năm 1990-1995, mỗi ngày ông thu mua đến 2 tấn phế liệu bao gồm sắt vụn, nhôm, đồng và cả vỏ đạn bom. Lượng phế liệu chiến tranh thu mua càng nhiều thì số người chết vì bom đạn tăng theo.

Dù biết vậy nhưng thời điểm đó không làm nghề rà tìm phế liệu thì người dân không biết lấy gì để sống. Bởi vậy mới xuất hiện những thôn mồ côi, xóm góa phụ ở nhiều nơi trên mảnh đất Quảng Trị.

Nói trong nước mắt, chị Trần Thị Ánh cho hay, năm 1990 chị về làm dâu bà Phan Thị Nghệ (Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị). Năm 1991, bố chồng chị Ánh trong lúc đốt gốc rạ trên thửa ruộng của gia đình thì bị một quả bom bi phát nổ chết. Nỗi đau chưa dứt, một năm sau, khi chị Ánh mới sinh con trai được 8 tháng thì chồng chị cũng bị chết vì bom bi nổ khi đang canh tác trên chính thửa ruộng mà bố chồng đã nằm xuống. Vậy là trên một mảnh ruộng, trong cùng một ngôi nhà nhưng có đến hai người đàn bà góa chồng vì tai nạn bom mìn. Sau mất mát ấy, chị Ánh đã phải làm lụng vất vả, chắt chiu từng đồng nuôi con. May mắn thay, con trai chị Ánh chăm ngoan, học giỏi, nay có công việc ổn định, đó là động lực giúp chị vơi bớt nỗi cô đơn.

img

 Bom đạn, sắt vụn được thu mua, tập kết tại một đại lý phế liệu ở tỉnh Quảng Trị. ảnh: Ngọc Vũ

Trong căn nhà tuềnh toàng dột nát, bà Tạ Thị Thanh (thôn 6, Hải Thái, Gio Linh, Quảng Trị) không giấu được nước mắt khi nhắc lại cái chết thảm thương của chồng là Nguyễn Nam Phúc. Cũng vì đói khát gạo cơm nên ông Phúc phải lao thân vào nghề nguy hiểm. Và cái chết được báo trước đã xảy ra trong một lần ông Phúc tháo quả đạn pháo to bị phát nổ. Đau đớn nhưng bà Thanh vẫn phải gắng gỏi nuôi 7 người con thơ dại.

Lần hồi các con bà Thanh khôn lớn. Đứa con trai Nguyễn Trường đến tuổi cập kê nên bà vay mượn tiền đám cưới cho con, ít lâu sau thì có cháu nội. Rồi hoàn cảnh khó khăn, anh Trường phải nối gót cha đi tìm miếng cơm từ bom đạn. Và điều gì đến đã đến, chỉ sau vài nện búa, quả pháo phát nổ. Thân xác Trường về với đất. Để lại trên cõi đời người vợ trẻ, đứa con thơ dại bữa đói bữa no. Ngôi nhà ấy lại thêm một góa phụ.

Vướng vòng lao lý

Nghề rà tìm phế liệu không chỉ nguy hiểm tính mạng mà còn có nguy cơ vướng vòng lao lý. Mới đây, vào tháng 

Lúc đào rồi chở bom đi bán, chúng tôi không nghĩ là vi phạm pháp luật. Đến khi các anh công an dừng xe lại chúng tôi cũng nghĩ là kiểm tra sơ rồi cho đi”.
Anh Hoàng Bảy 

9.2017, TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên tòa xét xử 5 người gồm Lê Văn Hùng (SN 1972), Hoàng Bảy (SN 1970), Lê Văn Tý (SN 1978), Lê Quốc Phước (SN 1979), Đoàn Văn Vang (SN 1978, cùng trú tại xã Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị) về hành vi vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, anh Hoàng Bảy buồn rầu khi kể quá trình vô tình vướng vòng lao lý của mình. Theo anh Bảy, vì cuộc sống khó khăn nên anh phải vay mượn nhiều nơi, góp tiền với một người khác mua chiếc máy rà tìm phế liệu cỡ lớn, dân địa phương gọi là máy Tọt khoảng 5 triệu đồng để hành nghề.

Ngày 29.4.2017, anh Bảy và anh Hùng rà tìm phế liệu ở khu vực rừng thuộc địa phận xã Vĩnh Hà (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thì phát hiện có tín hiệu kim loại. Sau đó, anh Hùng gọi điện rủ thêm anh Phước và anh Vang cùng tham gia đào. Đến sáng ngày 1.5, cả 4 người mang cuốc, xẻng đến vị trí đã làm dấu trước đó, thay nhau đào được một quả bom tạ. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày, cả nhóm dùng xe ba gác chở đi bán thì bị công an bắt dọc đường.

Theo kết luận giám định, quả bom nhóm anh Bảy đào rồi vận chuyển mang ký hiệu M117 – 750LB do Mỹ sản xuất còn sót lại trong chiến tranh, trọng lượng 340kg, chứa 183kg thuốc nổ, còn đủ khả năng phát nổ và gây sát thương trên diện rộng. Chịu mức án từ 9 tháng cải tạo không giam giữ đến tù treo 15 tháng, nhóm anh Bảy ngậm ngùi chua xót và rút ra bài học đắt giá. “Sau sự việc đó, cả nhóm quyết định bỏ nghề, riêng tôi hàng ngày rong ruổi ở các vùng quê mua nông sản, cuộc sống như vậy sẽ êm đềm và bớt nguy hiểm hơn” – anh Bảy nói.

Những người hành nghề đào, tháo bom đạn đều vì hoàn cảnh khó khăn, nhưng với nhóm người ở xã ven biển bãi ngang Trung Giang (Gio Linh) là éo le nhất. Anh N.V.V là 1 trong 7 người bị bắt khi đào, vận chuyển 3 quả bom tại thôn Hà Lợi Trung (Trung Giang) cho hay, từ nhỏ anh theo nghề đánh bắt gần bờ của cha ông để lại.

Cuộc sống êm đềm bỗng đảo lộn sau sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4.2016. Không thể ra khơi, mất thu nhập, cuộc sống trở nên túng thiếu nên anh V và 6 người khác trong thôn vay mượn, góp tiền mua chiếc máy Tọt trị giá 125 triệu đồng cùng nhau rà tìm phế liệu. Rạng sáng 26.7.2016, khi cả nhóm đào và di chuyển 3 quả bom tạ tại một đồi cát ở thôn Hà Lợi Trung thì bị công an phát hiện, bắt giữ, sau đó bị tòa tuyên phạt tù treo và cải tạo không giam giữ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem