Sống lại truyền thống dựng cây nêu đón Tết ở vùng quê Đắk Lắk

An Nhiên Thứ năm, ngày 19/01/2023 19:04 PM (GMT+7)
Những ngày này, nhiều thôn xóm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây nêu được dựng cao vút, trang trọng trước nhà. Dựng nêu đón Tết là truyền thống bao đời của người Việt, nay những người con xa quê đã quyết tâm làm sống lại văn hóa của cha ông.
Bình luận 0

Tại xóm 3, thôn 19/5, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước những hàng cây nêu được dựng trước nhà dân những ngày cuối năm.

Ông Trần Xuân Chiến - Trưởng xóm 3, thôn 19/5, xã Hòa Đông cho biết, đây là năm đầu tiên sau bao năm xa quê làm ăn lập nghiệp, ông và những người dân trong xóm mới có cơ hội dựng cây nêu đón Tết.

Sống lại truyền thống dựng cây nêu đón Tết ở vùng quê Đắk Lắk - Ảnh 1.

Theo ông Chiến, ngày tết dựng cây nêu trước cổng có ý nghĩa thờ phụng thần linh, vong hồn tổ tiên, trừ ma quỷ và xua đuổi những điều xấu xa của năm cũ

Theo ông Chiến, dựng cây nêu đón Tết là truyền thống từ xa xưa, thời còn nhỏ, mỗi lần đến Tết đều thấy bố mẹ dựng một cây nêu cao vút trước nhà. Theo thời gian, ông lớn lên, vào Tây Nguyên lập nghiệp. Vì mãi lo chuyện mưu sinh nên ông chưa có điều kiện dựng nêu. Với mong muốn để thế hệ con trẻ biết thêm về nét văn hóa truyền thống của dân tộc, ông Chiến quyết định dựng cây nêu đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trưởng xóm 3 cho biết thêm, trước khi dựng cây nêu, ông có nói với mọi người trong thôn và được nhiều hộ đồng tình, duy trì lại truyền thống cha ông. Mới đầu có một vài nhà làm, sau đó, 37/47 hộ dân trong xóm đã dựng cây nêu, góp phần tăng thêm không khí Tết, thể hiện được tinh thần đoàn kết tập thể, khí thế hào hùng của người dân nơi đây.

Sống lại truyền thống dựng cây nêu đón Tết ở vùng quê Đắk Lắk - Ảnh 2.

Ngọn nêu vươn cao, mang theo ước vọng về một năm mới bình yên, hạnh phúc, thuận hòa tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em

Xóm 3, thôn 19/5 có 90% là người Nghệ An, còn lại người Thái Bình, Quảng Trị. Người dân chủ yếu làm cà phê, tất bật cuối năm song không quên khơi lại truyền thống văn hóa dân tộc.

Người dân bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp, bởi đây là thời điểm ông Táo đã về trời, khi vắng mặt táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này vào nhà quấy nhiễu. Do đó người xưa quan niệm, dựng cây nêu trước cổng nhà có tác dụng xua đuổi tà ma, giữ cho gia đình êm ấm, hòa thuận, bình an, mang lại may mắn cho gia chủ.

Việc dựng cây nêu không tốn kém, cũng không khó nhưng lại rất cầu kỳ và đòi hỏi nhiều công sức. Người dân thường chọn những cây tre hoặc mai cần, già, thẳng, dài, có ngọn hơi rủ và lá tươi để dựng ngay trước cổng nhà.

Sống lại truyền thống dựng cây nêu đón Tết ở vùng quê Đắk Lắk - Ảnh 3.

Những con đường về đêm, cây nêu được trang trí bóng led trở nên lung linh, huyền ảo

Trước khi dựng cây nêu, người dân trong xóm phải làm một mâm lễ để thắp hương dâng lên thần linh. Trong quá trình làm, mỗi người một công đoạn như tìm chọn tre, quất dây đèn led, chuẩn bị câu đối, lồng đèn... Nhiều nhà còn gắn vào đầu ngọn của cây nêu ngôi sao năm cánh cùng lá cờ Tổ quốc. 

Qua Tết, khoảng mùng 6, mùng 7 tháng Giêng, người dân lại làm một lễ hạ cây nêu xuống. Việc dựng cây nêu, khi mỗi độ Xuân về, Tết đến là nét văn hóa truyền thống cần lưu giữ, để thế hệ con cháu sau này hiểu thêm về ý nghĩa ngày Tết truyền thống của Việt Nam…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem