Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 2): Từ sa mạc hoang vu đến kho vàng bất tận...
Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 2): Từ sa mạc hoang vu đến kho vàng bất tận...
Bùi Phụ-Quang Đăng
Thứ tư, ngày 19/05/2021 11:20 AM (GMT+7)
Có thể nói, những đồi cát bốn màu trắng - vàng - hồng - đỏ và cung đường ven biển Mũi Né - Hòa Thắng - Hòa Phú xuyên qua sa mạc cát của tỉnh Bình Thuận hiện là "thiên đường sống ảo" hot nhất các tỉnh Nam Trung Bộ. Dân du lịch gọi đây là "cung đường vàng".
Giữa trưa nắng, ông Nguyễn Thành Khoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Triều Trang (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) rủ chúng tôi đi bộ chân không mang dép lên đồi cát Bàu Trắng để trải nghiệm sự mát dịu của đôi chân. "Trời ơi, nắng nóng thế này đi chân không mang dép lên đồi cát sao chịu thấu?".
Thấy tôi thắc mắc, ông Khoa nắm tay tôi kéo chạy bộ lên đỉnh đồi. Thật bất ngờ, cát không nóng mà trái lại cảm giác hai bàn chân tôi dịu mát. Trong khi đó, nếu đi chân không vào giờ này ở con đường cát bên ngoài nóng muốn bỏng da chân...
Đưa chúng tôi một vòng bằng môtô địa hình chạy khắp đồi cát, ông Khoa thổ lộ: Hơn 30 năm trước, gia đình ông đến vùng này lập nghiệp, xin và thuê đất của Nhà nước trồng rừng theo chương trình phủ xanh đồi trọc của các cơ quan trung ương.
Cung đường vàng
Đường Hòa Thắng - Hòa Phú có điểm đầu tại ngã ba Hồng Thắng (xã Hòa Thắng, Bắc Bình), điểm cuối tại chân cầu Sông Lũy (xã Hòa Phú, Tuy Phong). Nền đường rộng từ 45,5 - 50m; trong đó bề rộng mặt đường 24m (gồm 2 làn đường rộng 12m/làn, ở giữa dải phân cách rộng). Tuyến đường này ngoài mục tiêu phục vụ kinh tế xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển còn là điều kiện thuận lợi để củng cố, giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương. Sau Tết Âm lịch hàng năm, hai bên đường là những cánh rừng tràm nở rộ hoa vàng tô điểm thêm nét đẹp của sa mạc cát.
Những ngày đầu mới đặt chân lên vùng sa mạc này, nhìn cảnh cát bay mù trời, giao thông đi lại khó khăn, đã nhiều lần ông Khoa định bỏ cuộc. Nhưng từ khi ông phát hiện ra sự lạ kỳ như nắng nóng như đổ lửa thì cát lại mát, đỉnh đồi di động theo từng cơn gió..., ông quyết định bám trụ.
Trong một lần xem tivi thấy các nước Trung Đông và châu Phi khai thác du lịch bằng ôtô địa hình trên những sa mạc cát, ông Khoa ấp ủ giấc mơ đưa mô hình này về đồi cát Bàu Trắng.
Khoảng đầu năm 2003, ông Khoa xuất ngoại sang Trung Quốc và các nước Trung Đông. Hơn cả tháng trời học hỏi ở xứ người, ông Khoa đã mua về những chiếc môtô địa hình cũ kỹ. Suốt gần cả năm trời tân trang lại và chạy thử lên đồi cát thành công, ông Khoa vận động anh em trong gia đình góp vốn đầu tư, làm thủ tục xin phép chuyển thành điểm du lịch.
Khoảng năm 2008, ông Khoa chính thức đưa môtô địa hình chạy lên đồi cát vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, do đường giao thông đi lại chưa thuận tiện nên mô hình cưỡi môtô dạo chơi trên đồi cát bay của ông Khoa dù độc đáo nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng!
Mãi đến Tết Bính Thân - 2016, tỉnh Bình Thuận khánh thành tuyến đường Hòa Thắng - Hòa Phú xuyên qua những sa mạc cát nhấp nhô, dài hơn 23km với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, khu du lịch Thiều Trang mới đông khách. Hiện tại nhiều doanh nghiệp khác cũng kinh doanh xe địa hình như ông Khoa xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực đồi cát Bàu Trắng. Bên cạnh đó còn có nhiều hoạt động hấp dẫn trên cát như: Trượt cát, chinh phục cồn cát, cưỡi đà điểu qua sa mạc...
Thiên đường sống ảo
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia du lịch lữ hành, từ ngày tỉnh Bình Thuận đưa vào sử dụng tuyến đường đường Hòa Thắng - Hòa Phú, kết nối với cung đường ven biển từ Hàm Tân - Lagi - Hàm Thuận Nam - Phan Thiết - Bắc Bình - Tuy Phong dài hơn 200km, du khách đến các điểm du lịch của Bình Thuận ngày càng đông hơn. Vùng sa mạc ngày nào giờ thành những "kho vàng có trữ lượng bất tận...".
Thật khó nói hết cảm xúc lâng lâng khi chúng tôi chạy ôtô trên cung đường Hòa Thắng - Hòa Phú, xuyên qua những đồi cát nhấp nhô, những khu rừng tràm đang mùa nở rộ hoa vàng. Có những đoạn đường, xe phải chạy sát bờ biển hoặc có những lúc đường xe chạy vượt trên đỉnh đồi cát cao chơi vơi. Hai bên đường, chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh rất dễ thương khi chứng kiến cảnh nhiều đôi trẻ hôn nhau giữa sa mạc đầy nắng gió. Đặc biệt là êkíp chụp hình, quay cảnh những đôi uyên ương chuẩn bị đến ngày cưới. Chính những hình ảnh "dân giã" này đã tô điểm thêm nhiều màu sắc cho vùng sa mạc cát đầy nắng gió...
Sau khi chụp hình cho vợ con ở "thiên đường sống ảo", trên sa mạc cát, anh Võ Tấn Kiệt, nhà ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, trung bình mỗi tháng anh lái xe đưa vợ con ra đây "sống ảo" một lần. Lần nào gia đình cũng ở lại một, hai đêm ăn uống thỏa thuê mới về.
"Ở đây khí hậu mát mẻ, sáng tắm biển, chiều cưỡi môtô chở vợ con dạo chơi lên đồi cát, tối về ăn hải sản thì tuyệt không gì bằng..." -anh Kiệt khoe. Qua hết "thiên đường sống ảo" trên sa mạc cát, chúng tôi đặt chân lên vùng đất Tuy Phong (cách TP.HCM khoảng 300km) tuyệt đẹp, nhiều huyền thoại bởi tiếng đồn có kho báu 4.000 tấn vàng do vị tướng Nhật Bản giấu trên đỉnh Núi Tàu đến nay chưa tìm được...
Dân du lịch ví Tuy Phong như một Việt Nam thu nhỏ, bởi nơi này có đầy đủ rừng vàng, biển bạc, núi đồi, sông suối. Ngoài điểm du lịch tâm linh nổi tiếng Chùa Hang (Chùa Cổ Thạch), Tuy Phong còn được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu vùng biển rêu xanh, bãi đá bảy màu sắc, độc nhất vô nhị dài khoảng 1km, (rộng từ 200 - 300m) nằm trên bờ biển. Những năm gần đây, Tuy Phong còn nổi tiếng với cánh đồng quạt gió (điện gió), hệ thống nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.