Sony: Sức bám trụ diệu kỳ giữa thời điểm cạnh tranh khốc liệt, bài học nào cho LG?

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 23/07/2021 08:05 AM (GMT+7)
Bộ phận thiết bị di động của Sony công bố lợi nhuận trong quý I/2021. Kết quả này cho thấy công ty có sức bám trụ bền bỉ cỡ nào, vào thời điểm khốc liệt khi một vài đối thủ khác khó khăn đến mức phải đóng cửa, mà LG là một minh chứng điển hình nhất.
Bình luận 0

Tại thị trường di động, LG và Sony đều từng có quãng thời gian là ông lớn trong ngành. Nhưng theo thời gian, hai công ty này dần suy yếu khi các hãng Trung Quốc nổi lên.

Nhiều năm trở lại đây, Sony ngày càng ra mắt ít smartphone hơn mỗi năm. Do doanh số ngày càng đi xuống, smartphone trở thành mảng kinh doanh đốt tiền của Sony. Thực tế, Sony đã phải lấy lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác như game để "bù đắp" cho mảng kinh doanh thua lỗ này.

Làm được điều LG không thể, Sony tạo niềm tin cho khách hàng và cái kết viên mãn. Ảnh: @Pixabay.

Làm được điều LG không thể, Sony tạo niềm tin cho khách hàng và cái kết viên mãn. Ảnh: @Pixabay.

Dù vậy, mọi chuyện có vẻ thay đổi dần theo hướng lạc quan. Bộ phận phụ trách mảng di động của Sony công bố kết quả kinh doanh của quý I/2021. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm mảng di động của Sony có lợi nhuận, dù con số đó chỉ là 254 triệu USD. Kết quả kinh doanh của hãng trong quý II dự kiến được công bố trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định kết quả sẽ tiếp tục khả quan.

Điều đặc biệt là doanh số của hãng cũng đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Sony chỉ bán được 2,9 triệu chiếc điện thoại. Ở thời kỳ đỉnh cao, con số này 39,1 triệu máy vào năm 2014. Tuy nhiên, việc mảng kinh doanh di động của hãng vẫn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay mới là điều quan trọng đáng để nói.

Điều gì giúp Sony trụ vững kỳ diệu tới hiện tại?

Công ty đạt được thành tích này bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán trung bình của mình. Flagship Xperia 1 III với mức giá lên đến 1.299 USD (khoảng gần 30 triệu đồng) là minh chứng rõ ràng cho chiến lược này. Bên cạnh đó, việc Sony chọn phát triển những thiết bị thú vị, độc đáo và hướng tới thị trường ngách chính là lý do giúp hãng tồn tại cho tới bây giờ.

Dù đã được sửa đổi một hoặc hai lần, nhưng dòng điện thoại flagship Xperia 1 của Sony và mẫu Xperia 5 với giá cả phải chăng hơn đều nhận được đánh giá khá tốt. Trên thực tế, các mẫu ra đời trong 2020 được giới chuyên môn nhận định là lựa chọn hàng đầu trên thị trường. Trong năm nay, Sony đang tiếp tục kỳ vọng tìm được thành công với dòng flagship Xperia 13 mặc dù với mức giá thậm chí còn cao hơn. Điều này có thể thấy, chiến lược của Sony dường như đã mang lại hiệu quả.

Những con số của Sony cho thấy rằng, họ không sản xuất điện thoại cho người tiêu dùng đại chúng. Bản thân việc có lãi cũng cho thấy họ không cần phải làm như vậy. Bằng cách tận dụng sự phổ biến của màn hình Bravia, camera Alpha và công nghệ audio "cây nhà lá vườn", Sony đã cho thấy họ có thể sống trong một thị trường di động cạnh tranh mạnh mẽ, bằng cách chỉ phục vụ một đám đông trung thành với họ.

Sony cũng dành thời gian tìm ra một thị trường thích hợp. Hãng Nhật Bản tăng cường giá trị công nghệ và cố gắng làm hài lòng những khán giả trung thành của mình. Sau khó khăn trong vài năm qua, Sony đã lật ngược tình thế bằng dòng Xperia 1 cải tiến, tập trung vào việc khắc phục những lời chỉ trích trước đó.

Chúng ta có thể thấy, BlackBerry, HTC, LG đã thất bại trong cuộc đua di động. HTC thì vật vờ, còn BlackBerry thì không còn ai nhắc tới nữa. Ảnh: @Pixabay.

Chúng ta có thể thấy BlackBerry, HTC, LG đã thất bại trong cuộc đua di động. HTC thì vật vờ, còn BlackBerry thì không còn ai nhắc tới nữa. Ảnh: @Pixabay.

Bằng cách tận dụng màn hình OLED, máy ảnh chất lượng cao và công nghệ âm thanh tốt nhất của mình, Sony cũng chứng tỏ rằng, họ có thể tồn tại trong thị trường điện thoại khốc liệt bằng cách phục vụ cho những người dùng đam mê thật sự.

LG và Sony- cùng hoàn cảnh nhưng nước đi khác biệt, "kẻ thắng, người thua"

Cả 2 đều là những thương hiệu công nghệ huyền thoại, đều đạt được những thành công ban đầu nhất định, đều đốt không biết bao nhiêu tiền vào mảng di động đang gặp khó khăn trong suốt nhiều năm qua. Nhưng LG cuối cùng phải chính thức buông bỏ đúng vào năm mà Sony bắt đầu có lãi trở lại.

Sự khác biệt chủ yếu có thể nhìn thấy ở đây là LG chưa bao giờ xây dựng được vị thế vững chắc ở một thị trường mục tiêu nào. Họ ra mắt khá nhiều dòng điện thoại khác nhau, một số chỉ mang tính thử nghiệm nhằm thu hút số đông người tiêu dùng và có kết cục thảm hại. Qua mỗi năm, những dòng điện thoại từ LG G5 và Wing tới G7 ThinQ hay Velvet đều khiến khách hàng phải đặt ra câu hỏi liệu có nên mua điện thoại của LG nữa không.

Trong khi đó, Sony hướng vào phía trong, đặt cược vào giá trị và khách hàng cốt lõi của mình với ý tưởng xây dựng một dòng điện thoại thông minh thú vị, độc đáo. Một điểm nữa là điện thoại của LG chưa bao giờ bán với giá cao như dòng Xperia.

Và dĩ nhiên, Sony cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự như LG vào cuối những năm 2010, khi doanh số và thị phần sụt giảm. Sony đã lật ngược tình thế bằng dòng Xperia 1 cải tiến, tập trung vào việc khắc phục những lời chỉ trích.

Nhiều tờ báo chuyên về công nghệ đã phải thốt lên ca ngợi thiết kế phần cứng tuyệt vời của Xperia 1, ngay cả khi nó rất đắt tiền và không hoàn hảo. Với Xperia 1, Sony lần đầu tiên giới thiệu màn hình OLED 4K HDR 21:9, 3 camera, đưa trở lại giắc cắm tai nghe và giữ lại bộ nhớ có thể mở rộng, biến điện thoại của hãng thành thiết bị đa phương tiện tối ưu.

Nói tóm lại, câu chuyện nhỏ này từ Sony cho chúng ta hi vọng rằng, ngành công nghệ này rồi sẽ quay trở lại thời kỳ mà những thương hiệu kỳ cựu có thể vực dậy nhờ tạo nên những điểm riêng biệt, tạo ra những sản phẩm tốt, không cần thu hút tất cả người dùng, mà vẫn có thể đạt được những thành công nhất định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem