Trận đấu diễn ra theo kịch bản không thể kịch tính hơn
với đầy đủ cung bậc cảm xúc: Thăng hoa như pha dứt điểm điềm tĩnh đến
ngạc nhiên của cầu thủ trẻ Sterling, căng thẳng tột độ khi Man City rút
ngắn tỉ số 1-2 rồi gỡ hòa với bàn phản lưới của Johnson, và Anfield nổ
tung sau sai lầm chết người của Kompany - thủ quân của Man City, điểm
tựa của hàng phòng ngự áo xanh.
Nếu như khoảnh khắc
Johnson phản lưới gieo rắc nỗi sợ hãi giống như cách chính Liverpool với
Gerrard ở đỉnh cao phong độ đã dành cho AC Milan tại Istanbul, thì
khoảnh khắc Coutinho với cú sút quyết đoán từ pha phá bóng hỏng của
Kompany khiến như tất cả được giải tỏa và vỡ òa mọi giới hạn của cảm
xúc.
Đó là giọt nước mắt của sự xúc động đối với
những CĐV đã thiệt mạng vì đội bóng. Chiến thắng đối thủ lớn nhất để
giành quyền tự quyết về tay mình vào đúng dịp kỷ niệm 25 năm thảm họa
Hillborough, là một là một món quà không thể ý nghĩa hơn để tưởng nhớ
96 người đã thiệt mạng, trong đó có Jon-Paul Gilhooley- người anh họ của
Gerrard và có thể là lý do anh gắn bó trọn đời với màu áo đỏ, như lời
tâm sự khép lại cuốn tự truyện của mình "Tôi thi đấu vì Jon-Paul”.
Và
đương nhiên, người đội trưởng mẫu mực ấy khó có thể kìm nén được cảm
xúc của sự kiện đau lòng anh phải chứng kiến khi mới là một cậu bé gần 9
tuổi. Một năm sau sự kiện đau thương ấy, anh khoác lên mình màu áo Đỏ
cho đến tận bây giờ. Gợi lại câu chuyện cũ để thấy rõ, trong đội hình
Liverpool hiện tại chỉ Gerrard là có kỷ niệm sâu sắc với thảm họa ấy để
có thể bật khóc khi đội nhà giành thắng lợi một trận đấu mà như thể đã
vô địch. Nên nhớ, tại Istanbul năm 2005, anh cùng "The Kop" lên đỉnh
châu Âu mà không xúc động đến vậy.
Đó là giọt nước mắt của sự khát
khao chiến thắng, của người đội trưởng Lữ đoàn đỏ. Chức vô địch giờ đã
gần hơn, đến trong một mùa giải mà mục tiêu ban đầu chỉ là lọt vào Top
4, với một đội hình không có nhiều sự tăng cường ở các kỳ chuyển nhượng,
đã mất cả mùa Hè để giữ chân chân sút số 1 của họ, với đội hình chỉ có
19 người ở đội 1 (có thời điểm chỉ còn 15 người vì chấn thương và thẻ
phạt), mỏng nhất trong Top 4. Gerrard xứng đáng có 1 chức vô địch Ngoại
hạng Anh - danh hiệu anh có thể có nhiều nếu khoác lên mình chiếc áo có
logo khác.
Đó là những giọt nước
mắt của sự lăn xả, tinh thần chiến đấu hết mình vì màu áo đỏ như cách
anh luôn thể hiện mỗi phút có mặt trên sân. Những giọt nước mắt của một
người đàn ông mạnh mẽ, điểm tựa tinh thần của toàn đội khi đứng trước cơ
hội giành được chức vô địch quốc nội đầu tiên trong sự nghiệp của mình
khi đã 34 tuổi.
Tất cả các đội bóng đều cần cầu thủ
như anh, người luôn khát khao chiến thắng, người luôn thi đấu với tinh
thần lăn xả, không khoan nhượng, người sẵn sàng gào thét, xốc tinh thần
đồng đội, kêu gọi CĐV cổ vũ đội bóng khi đội nhà gặp khó khăn, và khóc
òa trong vòng tay đồng đội khi đội nhà giành chiến thắng trong trận đấu
có thể là chìa khóa quyết định ngôi vô địch.
Những
giọt nước mắt của Gerrard trái ngược với nụ cười vô cảm của Ramsey,
Chamberlain khi Arsenal thua tơi bời trước Everton trong trận đấu quyết
định vị trí thứ 4. Sự khác biệt đó cũng thể hiện vị trí của hai đội trên
bảng xếp hạng. Arsenal không thể vô địch dù họ dẫn đầu suốt lượt đi vì
họ thiếu một người như Steven Gerrard - một chiến binh biết khóc.
Thể thao & Văn hóa (Theo Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.