Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô có mức đầu tư xây dựng hơn 257 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc I làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy này gồm 2 tổ máy có tổng công suất 13MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3, diện tích lưu vực lòng hồ 265,26ha.
|
Hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh đã phải huy hàng trăm người cứu đập Hố Hô hôm 3- 10. |
Hệ thống máy phát điện nằm trên địa phận xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, còn diện tích mặt nước thuộc địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Công trình này được khởi công xây dựng từ năm 2004 và đến tháng 4-2010 đã đưa vào vận hành một tổ máy.
Người dân lãnh thiệt hại
Ngày 3-10, nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh nhưng nhà máy này không mở được cống thoát nước khiến nước lũ tràn qua cửa đập cao gần 2m (so với cao trình 72m). Hậu quả là hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ thuộc xã Hương Lâm, Hương Liên thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị ngập chìm, tổn thất nặng nề (riêng về người có 2 người chết).
Trong khi đó, trên 20 xã với gần 80.000 người dân vùng hạ lưu có nguy cơ chết chìm nếu đập vỡ. Không riêng gì vùng lòng hồ, trong thời gian từ ngày 2 đến 5-10, hàng ngàn người dân vùng hạ lưu sông Ngàn Sâu đứng ngồi không yên trước tình cảnh nước lũ nhấn chìm nhà máy, những thác nước hung dữ đục ngầu vượt tràn xối xả mịt mù như muốn xé toác, cuốn phăng bất cứ thứ gì ở phía dưới.
Ông Cao Viết Hòa- Chủ tịch xã Hương Trạch, huyện Hương Khê không giấu nỗi lo âu: Trong thời gian 3 ngày đó, tất cả cán bộ chính quyền và người dân túc trực 24/24 giờ, không dám ngủ. Nếu tình huống xấu đập vỡ, không chỉ người dân xã Hương Trạch mà 4 xã lân cận nằm dọc con sông này cũng lãnh đủ.
Ông Hòa còn cho biết thêm, người dân Hương Trạch từ bao đời nay nhờ dòng nước ổn định của con sông Ngàn Sâu này nuôi lớn. Nhưng từ ngày xây dựng thủy điện Hố Hô, người dân Hương Trạch phải chịu thiệt thòi lớn: Vào mùa hè thì sông này cạn kiệt, nước sinh hoạt cũng thiếu chưa nói chi là nước sản xuất, còn về mùa mưa lũ thì ngập nhà ngập cửa.
Tất cả là do... mưa lũ (?)
“Không phải do lỗi chúng tôi”. Đó là khẳng định của ông Đoàn Văn Vũ - Giám đốc và ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hố Hô khi trả lời phóng viên NTNN chiều 14-10. Hai ông cho rằng do lũ về quá nhanh, tần suất lớn nên nhà máy không thể kiểm soát dòng chảy để chủ động xả lũ được như ý muốn...
Khi được hỏi có phải do chủ quan từ phía nhà máy nên không mở hết cống xả gây nguy cơ vỡ đập, ông Vũ và ông Thông đều cho rằng thông tin đó là không đúng. Hai ông đều khẳng định trong bối cảnh mưa lớn kéo dài, lũ về nhanh, mất điện toàn phần (kể cả nguồn điện dự phòng riêng) nên không thể vận hành điều khiển mở hết được cửa cống.
Khi có máy phát điện thì mưa lũ lớn quá nên không thể đưa máy đến được vị trí cần cấp điện. Theo ông Vũ, đây cũng là điều bất khả kháng do lũ gây ra. Khi được hỏi vậy những trục trặc gây ra sự cố không mở được hết cánh cống xả lũ có phải do lỗi ở thiết kế, ông Vũ nói rằng ông mới về điều hành nhà máy nên không khẳng định được điều đó mà cần phải có hội đồng kỹ thuật chuyên ngành thẩm định và kết luận.
Ngày 14-10, đại diện Tập đoàn Điện lực (EVN) VN cho NTNN biết, suốt những năm vận hành từ trước đến nay, các đập thuỷ điện của EVN chưa bao giờ xảy ra sự cố. Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô là của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển điện miền Bắc I, Tổng công ty Điện lực miền Bắc có cổ phần ở đó. EVN chỉ quản lý Tổng công ty Điện lực miền Bắc chứ không quản lý trực tiếp thuỷ điện Hố Hô.
Theo ông Đỗ Quang Vinh - Cục Trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), việc quản lý các đập thuỷ điện của Cục chỉ với những nhà máy thuỷ điện có công suất từ 30MW trở lên. Thuỷ điện Hố Hô gồm 2 tổ máy có tổng công suất 13MW nên không thuộc quản lý của Cục.
Thanh Xuân
Hữu Anh - Đình Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.