Đèn khẩn cấp trang bị cho ô tô để sử dụng khi xe gặp sự cố phải dừng/đỗ trên đường. Khi ô tô bật đèn khẩn cấp đồng nghĩa, xe đó đang gặp sự cố nên các xe khác cần chú ý, chủ động tránh xe để không xảy ra va chạm.
Ngoài ra, đèn khẩn cấp còn có tác dụng thu hút sự chú ý và giúp đỡ của những lái xe hay người đi đường khác. Hơn nữa, khi gặp thời tiết xấu, lái xe cũng có thể bật đèn khẩn cấp để các phương tiện có thể nhận diện nhằm tránh xảy ra va chạm.
Dừng/đỗ bật đèn khẩn cấp được không?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12, định nghĩa dừng/đỗ được hiểu như sau:
- Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
- Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ quy định không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định cũng như nơi có biển cấm dừng, đỗ xe.
Trong trường hợp phương tiện đang tham gia giao thông mà xe gặp sự cố, hỏng phải dừng/đỗ xe ở nơi có biển cấm dừng, đỗ và phải bật đèn khẩn cấp thì sẽ đúng quy định, không bị xử phạt hành chính.
Ở chiều ngược lại, nếu lạm dụng việc bật đèn khẩn cấp để dừng đỗ trái quy định tại nơi có biển báo cấm dừng/đỗ mà xe không không gặp sự cố, hỏng hóc... sẽ bị xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”... căn cứ theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Như vậy, khi xe gặp sự cố, hỏng hóc, người điều khiển phương tiện có thể dừng đỗ bật đèn khẩn cấp ở những nơi có biển cấm mà không bị xử phạt. Tuy nhiên, với những trường hợp lợi dụng việc bật đèn khẩn để dừng đỗ trái phép sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.