Hai thi hài 6.000 tuổi còn nguyên vẹn hàm răng được phát hiện tại công trường xây dựng trên đường BR-470 tại đô thị Ilhota ở bang Santa Catarina, Brazil.
Hai bộ xương trên được bảo quản cực tốt nên các chuyên gia không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy hàm răng của họ còn nguyên.
Theo các chuyên gia, địa điểm phát hiện 2 thi hài trên có khả năng từng là một hòn đảo giữa đầm phá và là nơi sinh sống của người cổ đại.
Các nhà khoa học cho rằng, 2 bộ xương cổ trên rất có thể là thành viên của một trong số hàng trăm bộ tộc Jiquabu từng sống ở Brazil trong khoảng thời gian từ 10.000 năm trước đến thời kỳ thuộc địa.
Nhà khảo cổ Valdir Luiz Schwengber thuộc Đại học Nam Santa Catarina cho biết hai bộ xương được tìm thấy cách mặt đất 60 cm. Theo nhà khảo cổ Schwengber, vào thời kỳ cổ đại, hòn đảo này khá biệt lập và không có nước uống.
Các chuyên gia cũng tin rằng khu vực này tìm thấy 2 bộ hài cốt 6.000 tuổi từng là nơi tổ chức tang lễ.
"Dữ liệu thu thập được cho thấy người cổ đại ở đây ăn cá như cá da trơn, cá hồng và cá bơn. Kích cỡ nhỏ của những loài cá này cho thấy nguồn cung cấp thực phẩm chính là cá non ở vùng nước nông", nhà khảo cổ Schwengber nói.
Một số tài liệu chỉ ra, khi những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đến Brazil thì đây là nơi sinh sống của hàng trăm bộ tộc Jiquabu.
Người ta tìm thấy những manh mối sớm nhất về họ từ 10.000 năm trước ở cao nguyên Minas Gerais.
Một số chuyên gia suy đoán những bộ lạc này là một phần của làn sóng thợ săn di cư từ châu Á đến châu Mỹ qua eo biển Bering.
Tâm Anh (theo DM) (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.