Sự thật thung lũng Silicon tuột dốc

Thứ tư, ngày 22/06/2022 17:10 PM (GMT+7)
Nhiều tập đoàn công nghệ đình đám của Thung lũng Silicon chật vật giữa nền kinh tế đầy bất ổn.
Bình luận 0

Năm 2012, giới công nghệ chứng kiến nhiều sự phát triển vượt bậc. Khi đó, Facebook lần đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán và cán mốc 1 tỷ người dùng toàn cầu. Facebook và Twitter cũng trở thành những nền tảng hiệu quả giúp mọi người có quyền tự do ngôn luận và kết nối với nhau.

Đó cũng là thời điểm Elon Musk làm nên lịch sử khi tên lửa Falcon 9 của SpaceX bay lên không gian với một tàu không người lái chở hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Mặt khác, năm 2012 cũng đánh dấu việc các hãng xe công nghệ bắt đầu ra đời và tiền mã hóa tiếp cận đến nhiều người dùng hơn.

Tất cả những điều này là nhờ hệ sinh thái mở tại Thung lũng Silicon. Ở đây, mọi người ủng hộ các thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và chia sẻ bài học từ thành công đến thất bại. Các ngân hàng trung ương cũng sẵn sàng đầu tư và cho các dự án vay với lãi suất thấp.

Cứ thế, dòng tiền liên tục đổ vào Thung lũng Silicon để xây dựng các công nghệ, giúp giải quyết các vấn đề vĩ mô trên thế giới. Nhờ đó, hàng loạt những tỷ phú và gã khổng lồ công nghệ cứ thế ra đời.

Tình hình kinh doanh ảm đạm

Thế nhưng, 10 năm sau, năng lực vượt trội của thung lũng Silicon đã dần dần tuột dốc. Ngai vàng của các ông lớn công nghệ bắt đầu lung lay. Lãi suất tăng kỷ lục, dòng vốn không còn tập trung vào trung tâm công nghệ bậc nhất thế giới này. Người dùng bắt đầu lo ngại khi các mạng xã hội trở thành “sân sau” của các chính trị gia và là nơi các cuộc tranh cãi, xung đột nổ ra.

Thung lũng Silicon tuột dốc - Ảnh 1.

Trong nhiều thập kỷ, Silicon Valley là nơi sản sinh ra các công ty công nghệ đình đám. Ảnh: Unplash.

Giới đầu tư Thung lũng Silicon cũng đứng ngồi không yên sau khi hàng loạt startup công nghệ đình đám chứng kiến giá cổ phiếu tuột dốc không phanh. Thậm chí, những công ty đầu tư mạo hiểm lớn như SoftBank cũng phải cắt giảm một nửa số tiền đầu tư vào các công ty khởi nghiệp do lo ngại tình hình suy thoái.

Mặt khác, để thuyết phục nhà đầu tư, các hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon sử dụng chiến thuật khác nhau. Như WeWork, startup cung cấp dịch vụ cho là thuê văn phòng theo hợp đồng dài hạn, đã gây ấn tượng với các nhà đầu tư bằng triển vọng phát triển vượt bậc của mình.

Trong khi đó, ứng dụng đặt xe Uber lại nhấn mạnh vào số lượng người dùng ngày một tăng. Tuy nhiên, “thật ngu ngốc khi đổ tiền vào công ty công nghệ chỉ vì những số liệu hào nhoáng mà họ thể hiện như lượng người dùng hàng ngày”, Francine McKenna, giáo sư ngành Kế toán tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói.

Những ông lớn công nghệ ở Thung lũng Silicon còn giữ chân các nhân viên của mình bằng cách trả lương bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Họ hứa hẹn số tiền này sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của công ty.

Thiếu tính sáng tạo

Nhưng nghịch lý là dù đổ tiền nhưng các startup công nghệ này vẫn không mang lại giá trị thực cho xã hội. Theo Business Insider, mô hình kinh doanh của Thung lũng Silicon giờ đây không còn là miền đất hứa cho những nhân tài công nghệ mà chỉ biết chạy theo xu hướng.

Theo Jim Chanos, nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư Kynikos Associates, các nhà đầu tư nơi này chỉ chăm chăm đổ tiền vào những dự án liên quan đến blockchain, trí tuệ nhân tạo hoặc thuật toán.

Facebook của Mark Zuckerberg cũng tràn ngập những nội dung tiêu cực, phân biệt chủng tộc và các thuyết âm mưu. Nền tảng mạng xã hội này chỉ biết thâu tóm và bắt chước các đối thủ cạnh tranh thay vì phát triển những sáng kiến mới.

Thung lũng Silicon tuột dốc - Ảnh 2.

Mục tiêu kết nối mọi người mà Mark Zuckerberg từng hứa hẹn đã tan thành mây khói. Ảnh: Getty Images.

Những dự án xe bay, dịch vụ giao hàng siêu tốc và du hành vũ trụ cũng liên tục ra đời nhưng chúng chỉ là những công nghệ dành cho giới giàu có, thay vì phục vụ cho mục tiêu chung của xã hội. Chúng sẽ khó lòng tạo ra các cuộc cách mạng thật sự.

Theo Business Insider, cái giá phải trả cho sự tụt dốc này của Silicon Valley không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà hậu quả còn nằm ở những giá trị chung của xã hội. “Mọi người dần bình thường hóa những hành vi sai trái”, McKenna nói.

Con người gần nhau nhưng đồng thời cũng xa cách với nhau hơn. Bất bình đẳng gia tăng, tình trạng thiếu nhà ở dần trở nên tồi tệ và các môi trường trở thành một vấn đề nhức nhối.

Thúy Liên (Theo Zingnews)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem