Sự thật về sự "sủng ái" quá mức của Càn Long với Lệnh phi

Tùy Ý (Theo SH) Thứ ba, ngày 21/05/2019 20:41 PM (GMT+7)
Có sử gia cho rằng, Càn Long vô cùng ích kỷ, không hề thương tiếc hay nghĩ đến ngọc thể của Lệnh Phi.
Bình luận 0

Từ trước đến nay, mối tình giữa Lệnh Phi Ngụy Giai thị và vua Càn Long vẫn luôn là một trong những chuyện tình cảm tốn nhiều bút mực nhất thời nhà Thanh. Theo nhiều tiểu thuyết, dã sử, phim, kịch truyền hình, Lệnh Phi luôn là vị phi tần được Càn Long sủng ái, chiều chuộng hết mực. Cuối cùng, Lệnh Phi được thăng lên làm Hoàng quý phi, nhận hết mọi cưng chiều, thiên vị. Vậy, trong lịch sử, Lệnh Phi có thực sự là phi tần may mắn, hạnh phúc như vậy hay không?

Theo sử sách ghi chép lại, Lệnh Phi Ngụy Giai thị thực sự là một trong những phi tần được vua Càn Long sủng ái nhất. Xuất thân từ dòng họ Thẩm Dương Ngụy thị, thuộc tầng lớp Bao y, Nội vụ phủ, cha của Lệnh Phi là Ngụy Thanh Thái, người Giang Tô, từng giữ chức Nội quản lĩnh. Mẹ là Dương Giai thị, từng đảm nhiệm vị trí nữ quan tuyên sách bảo văn trong hậu cung.

img

Không có đoạn sử nào ghi lại Lệnh Phi từng làm cung nữ, thế nhưng so với những vị phi tần khác, xuất thân của Lệnh Phu không hề cao sang. Sau khi nhập cung, Lệnh Phi được phong làm Quý nhân. Ba năm tiếp theo, nhận được sự sủng ái của Càn Long, bà được tấn phong làm Lệnh Phi, Lệnh Quý phi và Hoàng Quý phi sau khi sinh hạ hoàng tử Gia Khánh.

Trong vòng 10 năm, Lệnh Phi sinh cho Càn Long 6 đứa con, trong đó có 4 nam, 2 nữ. Từ tần suất sinh con của Lệnh Phi, có thể nhìn ra Càn Long đã mê đắm bà thế nào.

Đáng tiếc, cũng bởi vì Càn Long quá mức sủng ái Lệnh Phi, dẫn đến bà mất sớm. Lệnh Phi sống đến gần 49 tuổi thì qua đời. 10 năm sinh liên tiếp 6 người con, cơ thể bình thường vốn đã không chịu đựng nổi.

Thế nhưng, sử sách cũng ghi chép lại, chuyện tình cảm của Lệnh Phi và Càn Long vốn có khúc mắc, không đẹp và lãng mạn như trong tiểu thuyết, trên phim. Thậm chí, có sử gia còn cho rằng, Càn Long vô cùng ích kỷ, không hề thương tiếc hay nghĩ đến ngọc thể của Lệnh Phi. Bởi nếu thực sự suy nghĩ cho Lệnh Phi, Càn Long đã không khiến vị phi tần này phải sinh nở liên tục như thế. Phải biết rằng, thời xưa, y học chưa phát triển, mỗi lần sinh nở, phụ nữ gần như đi dạo một vòng quanh quỷ môn quan, vừa đau đớn vừa vô cùng nguy hiểm.

img

Hơn nữa, khi còn sống, tuy rằng đạt được danh vị Hoàng Quý phi, toàn quyền quyết định lục cung, nhận hết mọi cưng chiều sủng ái của Càn Long thế nhưng bà vẫn không được thăng làm Hoàng hậu. Mãi đến khi qua đời, Lệnh Phi mới được truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng Hậu, táng ở Dụ lăng.

Sau khi nhà Thanh diệt vong, quân phiệt hỗn loãn, Tôn Điện Anh vì muốn lấy hết vàng bạc châu báu đã cho khai quật hoàng lăng. Trong quá trình trộm mộ, mọi người phát hiện, thi thể Càn Long và các phi tần khác của ông đều đã phân hủy, trông rất đáng sợ, chỉ có Lệnh Phi Ngụy Giai thị thi thể hoàn hảo, không tổn hao gì. Bà mặc long bào màu vàng, da thịt không bị hư thối, ngay cả hàm răng cũng vẫn còn nguyên, chỉ là trên mặt có nếp nhăn.

Theo các chuyên gia, nếu muốn bảo quản thi thể hoàn hảo như thế này, chỉ có cách dùng thủy ngân, chống phân hủy. Với thân phận của Ngụy Giai thị lúc đó, ngoại trừ Càn Long, không ai có thể ra lệnh bảo quản xác như vậy. Phỏng đoán cho rằng, Càn Long có lẽ vẫn muốn giữ gìn nhan sắc cho Lệnh Phi, để nhớ đến liền có thể đến ngắm. Tuy vậy, bất kể là vì lý do gì, làm như vậy quả thực có chút ích kỷ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem