An Lộc Sơn: Sự thật vụ loạn An Sử và chuyện tình với Dương Quý Phi
Sự thật vụ loạn An Sử và chuyện tình với Dương Quý Phi
Thứ sáu, ngày 24/09/2021 07:30 AM (GMT+7)
An Lộc Sơn không chỉ là viên tướng khởi xướng sự kiện loạn An Sử khiến nhà Đường suy bại mà ông còn được biết tới với mối tình ngang trái với mẹ nuôi là Dương Quý Phi.
An Lộc Sơn là một viên tướng thời nhà Đường, ông sinh ngày 19 tháng 2 năm 703 và mất ngày 30 tháng 1 năm 757. An Lộc Sơn là người Liễu Thành, Doanh Châu (nay là Triều Dương, Liêu Ninh), thuộc dân tộc Đột Quyết. Ban đầu, họ của ông là Khang, tên là Loát Lạc Sơn. Sau khi mẹ ông cải giá với An Diên Yển, ông đổi tên thành An Lộc Sơn.
Vào năm 724, An Lộc Sơn bị Tiết độ sứ Trương Thủ Khuê bắt giam vì tội trộm dê. Trong lúc sắp bị đưa đi hành hình, An Lộc Sơn nhanh trí hỏi Thủ Khuê rằng tại sao không đi giết giặc Phiên mà lại muốn giết ông ta, như vậy thật chẳng có uy danh. Trương Thủ Khuê thấy An Lộc Sơn nói phải liền tha cho và nhận làm tùy tùng.
An Lộc Sơn nhờ biết tới 9 thứ tiếng của các dân tộc ít người thuộc vùng biên giới lại là người đa mưu, giỏi chiến đấu nên được Trương Thủ Khuê nhận làm con nuôi. Sau này, Đường Huyền Tông quyết định gọi Thủ Khuê về triều làm Thừa tướng, An Lộc Sơn cũng được phong là Binh mã sứ Bình Lư.
Nhờ giỏi đút lót, An Lộc Sơn được thăng làm Tiết độ sứ của 3 vùng Bình Lưu, Phạm Dương và Hà Đông. Có thể nói, toàn bộ vùng Đông Bắc Trung Quốc nằm trong tay của An Lộc Sơn, chiếm tới 1/3 binh lính của triều đình nhà Đường. Thậm chí, với sự khéo léo của mình, ông còn được Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi nhận làm "dưỡng tử".
2. Loạn An Sử - Cuộc dấy binh tiêu diệt gần như hoàn toàn triều đại nhà Đường
Vào tháng 11 năm Thiên Bảo thứ 14 (năm 755), An Lộc Sơn cùng Sử Tư Minh dấy binh làm phản nhà Đường dưới chiêu bài thanh trừng Dương Quốc Trung, anh trai của Dương Quý Phi. Lần dấn binh này được sử sách gọi tên là "Loạn An Sử" và nó cũng được đánh giá là cuộc bạo loạn lớn nhất của Trung Quốc khiến cho nhà Đường rơi vào thế suy bại sau hơn 200 năm phồn thịnh.
2.1. Nguyên nhân An Lộc Sơn làm phản
Loạn An Sử do An Lộc Sơn phát động đã tạo nên bước ngoặt đẩy triều đình nhà Đường rơi vào lụn bại. Nhưng vì đâu mà nhà Đường đang ở vào thời kỳ hưng thịnh nhất lại nổ ra cuộc chiến này? Cùng tìm hiểu những nguyên nhân chính khiến An Lộc Sơn dấy binh làm phản:
Mâu thuẫn giữa triều đình và người dân
Mặc dù Đường Huyền Tông là người đã đưa nhà Đường tới thời kỳ hưng thịnh nhất nhưng chính ông cũng vào những năm cuối đời đã bỏ bê triều chính, dân chúng, đắm chìm vào tửu sắc cùng Dương Quý Phi, chi tiêu xa xỉ. Không chỉ có hoàng đế, các quan lại và vương tôn quý tộc cũng mặc sức tiêu xài.
Thêm nữa, lúc này, nhà Đường liên tục gây hấn với các nước lân cận nên chế độ quân binh bị ảnh hưởng, tài chính, ngân khố không đủ chi, triều đình bắt đầu tăng thu thuế, khiến người dân rơi vào cảnh ngày càng thiếu thốn. Thậm chí, quan lại còn bóc lột nặng nề truy thu thuế với cả những người đã chết gây ra sự căm phẫn trong lòng người dân ngày càng lớn.
Mâu thuẫn với các dân tộc xung quanh
Khi mới lên ngôi, Đường Huyền Tông đã thu xếp rất tốt các mâu thuẫn với các nước lân cận. Thế nhưng tới những năm Thiên Bảo, ông lại người nhiều lần điều quân đi gây chiến với các dân tộc xung quanh như Thổ Phồn, Khiết Đan, Đại Thục và Nam Chiếu…
Mâu thuẫn tới từ giai cấp thống trị
Chính trong nội bộ triều đình nhà Đường cũng nảy sinh mâu thuẫn không ngừng. Đặc biệt, việc Đường Huyền Tông tin dùng gian thần như Lý Lâm phủ, Cao Lực Sĩ và Dương Quốc Trung mà chèn ép các quan lại trung lương đã khiến cho họ nảy sinh tâm lý chán nản. Ngoài ra, các phe phái trong triều đình chỉ tập trung vào đấu đá, tư lợi cá nhân khiến cho tình hình chính trị của đất nước ngày càng rối ren.
Sai lầm trong chính sách trọng vùng biên ải
Đây cũng là một trong những sai lầm lớn nhất của Đường Huyền Tông khiến cho An Lộc Sơn có cơ hội dấy binh tạo phản. Ông đã nghe theo lời của Lý Lâm Phủ để cho binh lính phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ huy chứ không phải là triều đình. Ngoài ra, ông còn đề cao sử dụng các tướng lĩnh người dân tộc vùng biên để làm thống soái, tự do chiêu mộ binh lính. Vì thế, họ càng dễ dàng có cơ hội cầm binh quyền nổi loạn và An Lộc Sơn là một trong những kẻ đã lợi dụng sự lơ là này của Đường Huyền Tông và triều đình nhà Đường để hành động như vậy.
2.2. An Sử chi loạn - Cuộc phản loạn ngấm ngầm nổi dậy
Như đã nêu ở trên, An Lộc Sơn chỉ trong hơn 10 năm đã được thăng chức từ đô đốc lên tới Tiết độ sứ của 3 trấn là Phạm Dương, Bình Lư và Hà Đông. Khi đó, An Lộc Sơn nắm toàn bộ vùng đông bắc Trung Quốc và nắm tới một phần ba quân số nhà Đường, tương đương với 15 vạn quân binh.
Tuy nhiên,dù An Lộc Sơn còn chưa dấy binh làm phản thì nhưng thái tử Lý Hanh và tướng Trương Cửu Linh, Lý Hà Chu, Lý Thuần Phong… đã từng cảnh báo hoàng đế Đường Huyền Tông về nguy cơ này. Nhưng, Đường Huyền Tông đều gạt đi, sau đó ông còn liên tục bổ sung binh mã và lương thực cho An Lộc Sơn.
An Lộc Sơn đã lợi dụng lòng tin của Đường Huyền Tông để chuẩn bị cho tương lai. An Lộc Sơn đã dùng 8 năm để thu nạp binh lính, văn sĩ bất mãn như Nghiêm Trang, Trương Thông Nho, Lý Đình Kiên, Cao Thượng…, tích trữ lương thảo, nuôi chiến mã, sử dụng tướng người Hồ chờ cơ hội dấy binh tạo phản.
2.3. Loạn An Sử khiến nhà Đường lụi bại và khiến 36 triệu người thiệt mạng
Vào năm 755, An Lộc Sơn lấy danh nghĩa thanh trừng Dương Quốc Trung để dấy binh ở Phạm Dương. Từ đó, loạn An Sử đã chính thức bắt đầu.
Theo bài khảo cứu đăng trên Nhân dân Nhật báo miêu tả, cuộc phản loạn của An Lộc Sơn vô cùng khốc liệt. Quân phản loạn đi tới đâu là đốt phá, giết chóc, cướp bóc tới đó, không tội ác nào là không gây ra, là mối họa lớn cho dân chúng.
Diêu Nhữ Năng cũng đã ghi lại trong cuốn "An Lộc Sơn sự tích" rằng: "Phần lớn cung điện đều bị đốt cháy, mười nay chỉ còn lại một. Dân số cũng chỉ còn lại 1000 hộ, đi tiếp 1000 dặm nữa về phía đông còn không có bóng người, quang cảnh vô cùng tiêu điều. Kinh đô Trường An sau cuộc chiến không còn một căn nhà nào, xóm lắng vắng lặng."
Theo thống kê từ sử sách, Nhân dân Nhật báo đã tổng kết rằng, 70% địa phương trên cả nước bị giảm nhân khẩu tới 90%. Ví dụ như Dịch châu ở Hà Bắc chỉ còn lại 569 hộ, trong khi trước đây có 44.200 hộ. Số phủ châu có từ 10 vạn hộ trở lên là 10 nhưng sau loạn An Sử chỉ còn Kinh Triệu và Thái Nguyên.
Trước loạn An Sử, dân số của nhà Đường là 52,9 triệu người phân bổ trên 8,9 triệu hộ. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn, dân số đã giảm xuống chỉ còn 16,9 triệu người tương đương với 2,9 triệu hộ. Mức độ thiệt hại về người đã lên tới 36 triệu, dân số của Trung Quốc thời Đường chỉ còn lại một phần ba.
Dù loạn An Sử chỉ kéo dài trong chưa đầy 10 năm nhưng ảnh hưởng của sự kiện này tới triều đại nhà Đường là vô cùng lớn. Nó đã đẩy nhà Đường vào con đường lụi tàn nhanh chóng. Thậm chí, loạn An Sử còn để lại hậu quả khôn lường đối với lịch sử của Trung Quốc.
3. An Lộc Sơn và Dương Quý Phi có quan hệ gì?
Ít ai biết được rằng, giữa An Lộc Sơn và Dương Quý Phi còn có rất nhiều lời đồn đại đầy tai tiếng.
3.1. Lời đồn An Lộc Sơn tư thông với Dương Quý Phi
Sách Đường Thư viết rằng: "Sau khi Huệ Phi mất, Đường Huyền Tông buồn rầu, thương nhớ, dù có bao nhiêu cung tần mỹ nữ cũng không thấy khuây khỏa. Sau đó, Cao Lực Sĩ mật tấu rằng tại cung Thọ Vương có "Võ Huệ Phi tái sinh".
Nào ngờ, khi vừa nhìn thấy Dương Ngọc Hoàn, Đường Huyền Tông lập tức mê mẩn nên đã dùng kế chiếm đoạt. Sau khi đưa được Ngọc Hoàn về cung, Đường Minh Hoàng đã sắc phong nàng làm quý phi. Hoàng đế còn không tiếc tiền bạc, công sức cung phục Dương Quý phi.
Tuy nhiên dù vô cùng sủng ái Dương Quý phi nhưng khi đó Đường Minh Hoàng đã ngoài 50, còn nàng thì mới ngoài 20. Dương Quý phi mỡ màng, sức xuân phơi phới mà Đường Huyền Tông lực bất tòng tâm nên đành phải ngậm ngùi chịu đựng.
Lúc đó, An Lộc Sơn được Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi nhận làm con nuôi. An Lộc Sơn thấy vẻ đẹp của Dương Quý phi thì nảy sinh tà ý. An Lộc Sơn tư thông với Dương Quý Phi bằng cách đút tiền mua chuộc cung nữ trong cung.
3.2. Sự thật trong câu chuyện tình An Lộc Sơn và Dương Quý Phi
Dã sử đã chép lại câu chuyện An Lộc Sơn có gian tình với Dương Quý phi qua rất nhiều tích như An Lộc Sơn làm xước ngực Dương Quý phi, bà vì muốn che giấu việc này đã phát minh ra chiếc yếm. Thậm chí, "Tư trì thông giám" cũng ghi rằng An Lộc Sơn ngày ngày đến cung của Dương Quý phi cười đùa vui vẻ. Dương Quý phi còn tổ chức lễ tắm 3 ngày cho An Lộc Sơn như phong tục truyền thống. Thế nhưng, sự thật của những câu chuyện này là thế nào?
Giáo sư Trương Quốc Cương, một nhà sử học thuộc Đại học Thanh Hoa thì những giả thuyết này hoàn toàn là không chính xác. Tại sao Đường Huyền Tông dù biết chuyện Dương Quý phi tắm cho An Lộc Sơn lại không hề trách tội. Theo ông, do người thời Đường vốn rất cởi mở trong việc tiếp xúc giữa nam và nữ nên Đường Minh Hoàng mới có phản ứng như vậy.
Ông cũng cho rằng, An Lộc Sơn trong sử sách không chỉ là một tướng đa mưu túc trí mà còn là người rất rành các loại vũ điệu. Dương Quý phi cũng rất nổi tiếng với tài ca hát nhảy múa, đặc biệt là với điệu múa "Nghê thường vũ y khúc" mê đắm lòng người.
Quả thực, trong các tác phẩm văn thơ thời bấy giờ đã nhắc tới chuyện tình An Lộc Sơn và Dương Quý Phi thường xuyên cùng nhau nhảy múa. Dựa trên những dữ liệu đó, giáo sư Trương Quốc Cương kết luận rằng Dương Quý phi gặp An Lộc Sơn là để thỉnh giáo về cách múa sao cho đúng, đẹp. Trong quá trình học hỏi thật khó để tránh khỏi sự tiếp xúc về mặt thân thể. Vì thế, câu chuyện tư thông của An Lộc Sơn và Dương Quý phi chỉ có thể là lời đàm tiếu không chính xác.
Mặc dù, nhà Đường sau đó có thể đánh bại cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn nhưng trên thực tế vẫn phải nhận định rằng sự kiện này đã dẫn tới sự thay đổi lớn về kinh tế và xã hội của cả Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.