Hàng năm, vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 Âm lịch, khi dòng nước mang phù sa từ thượng nguồn hòa vào sông Tiền, len lỏi qua những con rạch chằng chịt rồi chảy vào các cánh đồng, cũng là lúc thiên nhiên ban tặng cho người dân miền Tây Nam Bộ nhiều sản vật mùa nước nổi.
Hồi đó xứ cù lao An Bình (Long Hồ) quê tôi ruộng đồng còn khá nhiều. Cắt lúa xong, mọi người gom lúa chở về nhà phơi khô để bán cho lái, còn một phần đem chà gạo ăn. Mặt ruộng lúc này chỉ còn trơ lại gốc rạ vàng hoe, để lộ ra những hang cua lớn nhỏ. Vậy là bọn trẻ chúng tôi í ới nhau sửa soạn “đồ nghề” đi bắt cua.
Nói là “đồ nghề” chứ thật ra chỉ là cái thùng vòi của ba mẹ tưới rau hàng ngày, hoặc cái xô, hoặc cái thau… rồi chạy ùa ra đồng. Thấy vậy, ba tôi bảo mang thêm cây cù ngoéo để khỏi bị cua kẹp. Với lại ba sợ tụi con nít thọt tay vào hang cua lỡ như gặp rắn thì rất nguy hiểm. Cù ngoéo là cây sắt nhỏ dài chừng 1m, một đầu như móc câu để ngoéo cua được dễ dàng.
Mùa nước nổi là thời điểm lý tưởng để các loài thủy sản theo phù sa vào kinh rạch sinh sản, cua đồng cũng vậy. Cua bò lên ruộng, vào các liếp đất làm hang rồi sanh con đẻ cái. Mùa nước nên mặt ruộng cũng mềm hơn, việc bắt cua đối với đám trẻ chúng tôi cũng trở nên dễ dàng hơn.
Đi bắt cua quen rồi cũng biết, cứ cửa hang nào có nước ngầu đục là hang đó cạn, thường là cua nhỏ. Chúng tôi chỉ cần lấy gót chân ấn xuống đất phía sau miệng hang là cua sẽ trồi lên, chỉ việc bắt bỏ vô thùng. Ở hang sâu, thường là cua lớn. Thọt tay vào hang rồi lôi ra chú cua kình càng đầy bùn đất, chúng tôi khoái lắm nhưng cũng dễ bị cua kẹp. Khi thấy cua đã khá nhiều, nắng cũng gắt hơn, chúng tôi mang “chiến lợi phẩm” về nhà.
Má tôi bảo đem cua rửa thật sạch, rồi lựa cua lớn nhỏ để riêng. Cua kình càng có nhiều thịt để dành nấu cháo, nấu canh rau hoặc rang me, rang muối hay nấu bún riêu. Còn cua nhỏ, má tôi làm món cua xào rau càng cua, ngon vô cùng.
Rau càng cua mọc nhiều sau vườn nhà. Mưa xuống, rau mập mạp nhìn thấy ham! Tôi chỉ cắt một đỗi là có rổ rau mang vào cho má. Má tôi tách bỏ phần mai, yếm cua và cắt bớt càng, ngoe; chỉ lấy phần gạch cua và thịt cua. Thịt cua rửa sạch, để cho ráo nước. Lúc này, má tôi bầm tỏi nhuyễn cho vào chảo phi với mỡ, đến khi tỏi vàng ươm thơm phưng phức, má tôi cho gạch cua vào xào và nêm nếm vừa ăn. Sau đó, má tôi lấy thịt cua cho vào chảo, đảo vài lần cho thịt săn và thấm gạch cua cùng gia vị.
Khi cua chín, má tôi mới lấy rau càng cua để vào xào chung. Một rổ rau đầy vung, nhưng xào một hồi… chỉ còn một dĩa. Gắp rau và thịt cua ra dĩa, má tôi thêm vài lát ớt để tăng thêm hương sắc. Chưa kịp bới cơm ra chén, tôi đã lấy đũa gấp vội miếng thịt cua và rau cho ngay vào miệng. Vị ngọt của thịt cua hòa quyện với vị béo ngậy của gạch cua cùng với độ tươi giòn của rau càng cua, vị mằn mặn của nước mắm trong, kèm cái the the, cay cay của ớt nơi đầu lưỡi… thiệt là ngon. Còn nước xào cua đem chan cơm nóng hổi càng thêm đậm đà, hấp dẫn.
Giờ đây, cù lao An Bình quê tôi không còn ai làm lúa nữa mà thay vào là vườn cây ăn trái. Món ăn từ cua đồng cũng vơi dần trong các bữa cơm. Năm nay, mùa nước nổi đến muộn hơn, trùng với những ngày giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19. Nằm nhà rảnh rỗi lướt web thấy các trang mạng rao bán cua đồng giao tận nhà, bỗng nhớ một thời thơ ấu cùng chúng bạn đi bắt cua và thèm món cua đồng xào rau càng cua do má làm hồi xưa. Món ăn tuy dân dã mà đậm hồn quê!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.