Dân huyện này ở Quảng Ninh trồng loại củ ví như "nhân sâm trắng", ủ kiểu gì mà ăn thơm, giòn, dùng cả năm

Thanh Tuyền Thứ năm, ngày 26/12/2024 18:48 PM (GMT+7)
Từ củ cải trắng ngần, người dân huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) đã chế biến thành củ cải phên, củ cải khô, củ cải nấu mặn... Củ cải Đầm Hà hiện không chỉ được tiêu thụ trong địa phương mà ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.
Bình luận 0

Giòn thơm củ cải Đầm Hà

Củ cải là một trong những cây trồng bản địa, được người dân Đầm Hà trồng tăng vụ vào vụ Đông. Do có thời gian sinh trưởng ngắn lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên củ cải Đầm Hà sinh trưởng tốt, chống chịu được sâu bệnh, cho năng suất cao và có hương vị thơm ngon đặc biệt.

Nghề sản xuất củ cải ở Đầm Hà - Ảnh 1.

Vào mùa thu hoạch, người dân dựng thêm hàng rào trong vườn, ngoài ruộng để phơi củ cải. Ảnh: HTX Thành Mến

Cây củ cải dễ trồng, nhưng cũng kén thời tiết. Nếu điều kiện thuận lợi, củ cải có thể cho thu hoạch trung bình đạt khoảng 30 tấn củ tươi/ha.

Ngoài việc sử dụng như một loại rau tươi, từ lâu, người dân đã biết chế biến củ cải thành nhiều dạng nhằm bảo quản được lâu như củ cải phên, củ cải khô, củ cải nấu mặn... Song trước đây, trồng và chế biến củ cải ở Đầm Hà chỉ manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Phải đến năm 2012, khi huyện Đầm Hà lập quy hoạch vùng trồng củ cải, nghề trồng và chế biến củ cải Đầm Hà mới có những khởi sắc. 

Từ năm 2014, củ cải được lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, có sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, nên người dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, trồng 2 vụ/năm.

Nghề sản xuất củ cải ở Đầm Hà - Ảnh 2.

Vào mùa thu hoạch, những diện tích sân rộng đều được tận dụng để phơi củ cải. Ảnh: Thanh Tuyền.

Xã Quảng Tân là "vựa" củ cải Đầm Hà với diện tích khoảng 23ha, trong đó chủ yếu tập trung tại các thôn Trung Sơn, An Lợi, Tân Sơn, Châu Hà. 

Những ngày cuối năm về Quảng Tân, khắp nơi đều thấy củ cải được phơi trắng muốt một vùng. Người dân còn dựng cả hàng rào, nối dài từng lớp, từng lớp để có chỗ phơi củ cải.

Ông Bùi Văn Thành – Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thành Mến (thôn Trung Sơn, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) bộc bạch: "Tôi là người gốc ở Hải Phòng. Những năm 1978-1979, gia đình tôi đến nơi này phát triển kinh tế mới, đã thấy người dân địa phương trồng và chế biến củ cải. Tuy nhiên thời điểm bấy giờ, người dân chỉ sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình".

Theo ông Thành, mùa thu hoạch củ cải, điều cần nhất với người dân là nắng. Những ngày nắng hanh, rét buốt, củ cải phơi vừa nhanh khô, nhanh rút nước, lại vừa giòn. Những ngày trời mưa, không làm được củ cải sợi, người dân chuyển sang làm củ cải phên vì củ cải phên chỉ cần muối để ủ.

Nghề sản xuất củ cải ở Đầm Hà - Ảnh 3.

Sản phẩm củ cải phơi dây của của HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thành Mến. Ảnh: Thanh Tuyền

Theo đó, củ cải sau khi thu hoạch được làm sạch, rửa kỹ, thái thành những lát mỏng, rồi phơi nắng. Khi củ cải đạt đến độ khô thích hợp sẽ được vò kỹ với một lượng "hạt ngọc của trời" (hạt muối) vừa đủ, tiếp tục mang ra phơi. Khi củ cải đạt đến độ giòn dai, có màu vàng ươm là có thể đóng gói, chuyển đi tiêu thụ.

Củ cải phên được chế biến công phu hơn, sau khi rửa sạch, củ cải được thái lát dày, rồi ủ muối. Qua một đêm, củ cải này được đem ra phơi nắng, rồi lại tiếp tục được ủ muối. Công đoạn này lặp lại trong nhiều lần sẽ cho ra sản phẩm củ cải phên có màu vàng, mùi thơm, giòn và có vị mặn, có thể dùng dần quanh năm.

Còn củ cải mặn lại chế biến bằng cách đem phơi héo vừa phải, sau đó cho vào luộc cùng với muối cho đến khi củ cải sánh lại. Củ cải mặn có thể bảo quản và sử dụng trong nhiều năm mà không hỏng.

Dù chế biến thành củ cải khô, củ cải phên, củ cải mặn… người dân Đầm Hà đều có bí quyết để chế biến củ cải giòn, thơm ngon mà không dùng bất cứ một chất bảo quản nào.

Nghề sản xuất củ cải ở Đầm Hà - Ảnh 4.

Sản phẩm củ cải Đầm Hà hiện nay được tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Tuyền

Nâng cao giá trị củ cải Đầm Hà

Nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm củ cải Đầm Hà theo hướng hàng hóa, huyện Đầm Hà đã động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng củ cải. Đồng thời, khuyến khích người dân hình thành những chi, tổ hội nghề nghiệp, hợp tác xã sản xuất chuyên nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến củ cải Đầm Hà.

"Trước đây việc chế biến củ cải đều bằng thủ công, cần rất nhiều nhân công, có những ngày cần 7-8 người để làm. Bởi vậy nên năng suất củ cải Đầm Hà chưa cao, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Nay có dây chuyền chế biến củ cải nên đã cho hiệu quả cao về năng suất, sản phẩm đồng đều và ổn định. Không chỉ vậy, dây chuyền giúp giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả công việc. 

Sản phẩm sau khi đưa ra thị trường đều được đánh giá cao. Hiện nay, sản phẩm củ cải khô phơi dây của HTX có giá bán 100.000 đồng/kg, củ cải phên có giá 25.000 đồng/kg, củ cải nấu có giá 60.000 đồng/kg" - Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thành Mến cho hay.

Hiện nay sản phẩm củ cải phên Đầm Hà và củ cải khô Đầm Hà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ninh. Các sản phẩm củ cải Đầm Hà cũng ngày càng được nâng cấp về chất lượng, mẫu mã, sử dụng hút chân không sản phẩm để bảo quản sản phẩm lâu hơn…

Nghề sản xuất củ cải ở Đầm Hà - Ảnh 5.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Đầm Hà (bên phải) thăm khu ủ củ cải phên của HTX sản xuất kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Thành Mến. Ảnh: Thanh Tuyền

Bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống, các hợp tác xã chế biến củ cải còn đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhờ đó củ cải Đầm Hà ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.

Năm 2015, nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Từ một nghề truyền thống, trồng và chế biến củ cải đã trở thành ngành nghề đặc trưng cho cả vùng Đầm Hà, tạo ra đặc sản được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Bà Vũ Thị Xoa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trong những năm qua, Hội Nông dân xã Quảng Tân đã phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan và doanh nghiệp hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm củ cải Đầm Hà. 

Đồng thời, Hội Nông dân xã Quảng Tân cũng đề xuất hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biển sản phẩm, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, vay vốn để hỗ trợ nông dân phát triển sản phẩm củ cải Đầm Hà.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem