Người dân các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đang gấp rút chuẩn bị chống bão số 10
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ chiều nay (14/9), tâm bão số 10 đang cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 470km về phía đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (100 đến 135 km/giờ), giật cấp 15.
Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình 180km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Đây là cơn bão đầu tiên của Việt Nam được cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4 (màu đỏ). Nhiều người vẫn băn khoăn về cấp độ cơn bão này đã đạt đến “siêu bão” như bão Harvey mới đổ bộ vào nước Mỹ, hay bão Haiyan đổ bộ vào nước ta năm 2013 không?
Xung quanh vấn đề này, ngày 14/9, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia. Ông Hải khẳng định cơn bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 2 năm gần đây đổ bộ vào nước ta.
“Đây không phải cơn bão lớn nhất trong lịch sử. Nếu tính theo cấp độ cảnh báo nguy hiểm hiện tại, chúng ta đã phải dùng 2 lần dùng đến cấp độ 4 trong quá khứ. Cấp độ 5 chính là thời điểm bão Haiyan đổ bộ vào nước ta năm 2013”, ông Hải nói.
So sánh sức ảnh hưởng của cơn bão số 10 so với siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ gây thiệt hại nặng nề, chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết:
“Ở Mỹ, bão được chia ra 5 cấp độ, bão Harvey lên đến cấp độ 5, cấp độ mạnh nhất. Nếu đối chiếu theo cách tính này, bão số 10 sắp đổ bộ vào Việt Nam khoảng cấp độ 3 và không có khả năng mạnh lên như Harvey”.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc Trung tâm KTTT Quốc gia vẫn nhấn mạnh, bão số 10 là một cơn bão rất nguy hiểm. Bão nằm trong dải hội tụ nhiệt đới, sẽ có thể gây ra mưa diện rộng từ Thanh Hóa đến Quảng Trị, lan sang cả Trung Trung Bộ và Tây Nguyên.
Khoảnh khắc siêu bão Harvey đổ bộ vào nước Mỹ (ảnh: Daily Star)
“Với bão cấp 12, nếu vào đất liền thì những ngôi nhà cấp 4, nhà tạm ven biển sẽ bay nóc và đổ nhà. Do đó, những gia đình có nhà cấp 4, nhà tạm ven biển ở khu vực tâm bão đi qua, hoặc gần tâm bão phải di chuyển, tạm trú sang nhà kiên cố hơn”, ông Hải cho hay.
Căn cứ vào Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và theo Luật phòng, chống thiên tai mới có hiệu lực hồi tháng 10/2015 quy định:
Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 được áp dụng đối với bão mạnh cấp 10-11 hoạt động ở khu vực Nam Bộ và bão mạnh cấp 12-15 hoạt động ở ven bờ phía Bắc, Trung Bộ. Đối với bão mạnh cấp 16 trở lên sẽ là cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5.
Còn ở Mỹ, sức mạnh của bão được đánh giá dựa theo thang Saffir–Simpson, phân loại bão dựa trên sức gió, sử dụng tốc độ tối đa của những cơn gió liên tục di chuyển để chia bão thành 5 cấp.
Cấp 1 là những cơn gió rất nguy hiểm gây ra một số thiệt hại, sức gió từ 119 đến 153 km/h. Bão cấp 2 có những cơn gió tốc độ 154-177 km/h vô cùng nguy hiểm gây thiệt hại trên diện rộng. Ở cấp 3, cơn bão có sức tàn phá lớn với sức gió 178-208 km/h. Thiệt hại ở bão cấp 4 được xem như thảm họa do sức gió lên tới 209 - 251 km/h. Cấp cao nhất là bão cấp 5, gây ra thảm họa trên diện rộng với sức gió trên 252 km/h.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.