Sức mạnh của cạnh tranh

Chủ nhật, ngày 06/01/2013 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Viettel đã soán ngôi của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Năm 2012, doanh thu của Viettel đạt trên 140.000 tỷ đồng vượt mức 130.390 tỷ doanh thu của VNPT.
Bình luận 0

Lợi nhuận năm 2012 của Viettel ở mức 27.000 tỷ, còn của VNPT chỉ khoảng 8.000 tỷ.

img

Cuộc rượt đuổi của Viettel đã diễn ra quyết liệt từ mấy năm nay. Lợi nhuận của Viettel đã vượt VNPT từ năm 2010, khi đó Viettel đạt 15.500 tỷ đồng còn VNPT chỉ đạt 11.200 tỷ đồng. Các từ mà báo chí dùng để mô tả cuộc đua giữa Viettel và VNPT là “soán ngôi”, “rượt đuổi”, “vượt mặt”… là các từ biểu hiện sự tranh đua, cạnh tranh quyết liệt. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhà nước này với nhau khiến cho chúng phát triển và người tiêu dùng được lợi: Giá giảm, chất lượng dịch vụ cải thiện.

Không chỉ lĩnh vực điện thoại di động có cạnh tranh, trong lĩnh vực khách sạn, các doanh nghiệp nhà nước phải “bơi” trong đại dương của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước, cho nên chúng phải cạnh tranh quyết liệt và muốn tồn tại phải tự thay đổi mình và hoạt động hiệu quả hơn. Cũng tương tự, các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực dệt may phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nên chúng phải hoạt động hiệu quả hơn.

Bài học rút ra là muốn doanh nghiệp nhà nước hiệu quả phải bắt chúng cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp tư nhân trên thị trường (nội địa và quốc tế). Cũng không được ưu ái cho chúng mà phải bắt chúng tự chủ (giới chuyên môn gọi là ràng buộc ngân sách của chúng cứng). Ngược lại nếu không có cạnh tranh và được ưu ái (ràng buộc ngân sách mềm) thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ hoạt động không hiệu quả. Đấy là những điều kiện bên ngoài.

Tất nhiên, điều kiện bên ngoài không đảm bảo cho sự hiệu quả của doanh nghiệp. Điều kiện bên trong, nội tại của doanh nghiệp như sự lãnh đạo, cung cách quản trị, cách tổ chức kinh doanh, chiến lược kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Điều kiện bên ngoài lành mạnh (cạnh tranh cao, ràng buộc ngân sách cứng) sẽ loại bỏ các doanh nghiệp kém và thúc đẩy các doanh nghiệp tốt phát triển.

Nhà nước đang chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Cách hiệu quả nhất là Nhà nước tạo ra các điều kiện bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của tất cả các doanh nghiệp (nâng cao cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, tạo sân chơi bình đẳng (tức là bớt ưu ái cho một loại doanh nghiệp) và buộc các doanh nghiệp phải tự chủ) là cách làm hay nhất chứ không phải quy định một loại doanh nghiệp có vai trò chủ đạo hơn các loại khác, không phải là mang tiền ra cứu ngành này hay ngành nọ (tuy trong lúc khẩn cấp có thể cứu nhưng không thể tạo ra tâm lý “chờ cứu” vì làm như thế là phá hoại nền kinh tế trong dài hạn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem