Tin từ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp người bệnh sinh năm 1990 ở Bát Xát – Lào Cai bị viêm tụy hoại tử.
Người bệnh được đưa vào Khoa trong tình trạng tỉnh, đau bụng dữ dội, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch, suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, rối loạn đông máu).
Theo chia sẻ của người nhà được biết người bệnh có tiền sử viêm tụy, đã từng điều trị nhiều lần. Đợt này bệnh tái lại với diễn biến nặng hơn.
Ngay khi vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp hoại tử biến chứng suy đa tạng/ Đái tháo đường – Rối loạn chuyển hóa lipid.
Người bệnh ngay lập tức được xử trí theo hướng thở máy không xâm nhập, truyền dịch, giảm đau, dẫn lưu dịch ổ bụng, lọc máu liên tục kết hợp lọc máu hấp phụ, dùng kháng sinh theo khuyến cáo.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, người bệnh đã giảm tình trạng đau bụng, thoát sốc đã cắt được thuốc vận mạch, đã hết toan chuyển hóa, mỡ máu giảm về giới hạn cho phép.
Hiện tại, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở tốt, đã được rút dẫn lưu ổ bụng, tự đi tiêu được và bắt đầu tập ăn trở lại. Người bệnh có thể được ra viện sau một vài ngày tới.
Viêm tụy hoại tử nguy hiểm đến mức nào?
Bác sĩ Nguyễn Đức Lịch, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ) cho biết, viêm tụy hoại tử là tình trạng mà các thành phần cấu trúc của tuyến tụy bị phá hủy và có thể bị nhiễm trùng.
Đây là biến chứng của viêm tụy cấp, xảy ra khi mô tụy chết do viêm. Khi bị viêm tụy hoại tử, vi khuẩn có thể lây lan vào mô chết và dẫn tới nhiễm trùng.
Viêm tụy hoại tử là vấn đề hết sức nguy hiểm, một số đặc điểm thường gặp là ổ hoại tử chuyển sang màu xám đen, hoặc có lẫn ổ xuất huyết. Càng ngày khu vực bị hoại tử càng lan rộng, ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến tụy nói riêng và sức khỏe của người bệnhnói chung.
Viêm tụy hoại tử có nguy cơ tử vong cao hơn so với các loại viêm tụy khác. Chính vì thế, việc theo dõi sức khỏe và điều trị là vô cùng cần thiết.
"Các triệu chứng viêm tụy hoại tử thường giống với viêm tụy cấp hoặc mạn tính, phổ biến là đau dữ dội, đột ngột ở vùng bụng trên, có thể lan lên vùng ngực hoặc vùng bụng dưới.
Tính chất cơn đau thường nhói, như dao đâm, đau lan dần ra sau lưng. Triệu chứng đau có xu hướng nghiêm trọng hơn khi nằm, cải thiện khi ngồi dậy hoặc cúi xuống. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có thêm một số dấu hiệu khác như sốt, buồn nôn, tụt huyết áp…", bác sĩ Lịch nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Lịch, rất khó để ngăn ngừa viêm tụy và những biến chứng từ viêm tụy. Tuy nhiên, bệnh lý này ít xuất hiện ở người có tuyến tụy khỏe mạnh. Vì thế, để tuyến tụy luôn khỏe mạnh, bác sĩ Lịch khuyến cáo người dân cần:
- Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe tuyến tụy.
"Bên cạnh đó,người dân cũng nên chủ động chú ý các dấu hiệu sức khỏe. Khám định kỳ sỏi mật, mỡ máu, các bệnh rối loạn chuyển hóa khác giúp ngăn ngừa nguy cơ viêm tụy.
Khi có các triệu chứng bất thường như đau bụng, trướng bụng, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, đa khoa để được tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời", bác sĩ Lịch chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.