ThS. Đinh Văn Tài cho biết, việc suy nghĩ nhiều có thể gây đau ngực trước hết có thể chỉ do rối loạn cơ năng, tức là do co thắt mạch tức thời mà không phải bệnh lý, nhưng cũng có thể do bệnh lý của hệ tim mạch, trong đó có bệnh lý của mạch vành và cơ tim.
Trạng thái suy nghĩ nhiều, lo âu có thể gây ra rối loạn thần kinh thực vật và có thể dẫn đến các biểu hiện như mạch nhanh, khó thở, người mệt lả, huyết áp có thể tăng hoặc hạ,…
Trường hợp hạ huyết áp có thể gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, thậm chí ngất xỉu. Về bản chất huyết áp thấp có thể khiến cho lượng máu mang oxy và các dưỡng chất tới các cơ quan giảm, trong đó có não và tim, gây ra các hiện tượng nêu trên. Do vậy để loại trừ nguyên nhân này, bạn nên đo kiểm tra huyết áp thường xuyên, đặc biệt vào lúc bị đau ngực.
Huyết áp bình thường theo mức trung bình trong cộng đồng là khoảng 120/80mmHg. Huyết áp được coi là thấp khi dưới 90/60mmHg (một trong hai chỉ số, hoặc cả hai chỉ số này). Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào tình trạng ở mỗi người. Xét góc độ với mỗi cá nhân, thì huyết áp nền là quan trọng (tức là huyết áp của bản thân người đó giúp duy trì sự sống hàng ngày), cụ thể ở nhiều người huyết áp bình thường của họ hàng ngày là 90/60mmHg, nên khi giảm xuống dưới một chút thì chưa được gọi là thấp, khi đó họ vẫn hoàn toàn bình thường.
Tương tự với người có huyết áp nền cao hơn mức trung bình, khi chưa hạ tới mức 90/60mmHg nhưng lúc đó đã có thể có biểu hiện của huyết áp thấp. Cũng có nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp: mang thai, mất nước, mất máu, vấn đề tim mạch, rối loạn nội tiết, nhiễm trùng nặng, dị ứng trầm trọng (sốc phản vệ), thiếu dinh dưỡng do dùng thuốc,...
P.V (Sức Khỏe & Đời Sống)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.