Suýt chết chỉ vì gãi xước chân

Diệu Linh Thứ hai, ngày 27/10/2014 15:24 PM (GMT+7)
Chỉ là những vết gãi xước chân tay đơn thuần nhưng vi khuẩn tụ cầu vàng lại xâm nhập vào máu, gây biến chứng viêm màng phổi và viêm khớp hang, khiến bệnh nhi suýt đối diện với tử thần. 
Bình luận 0

Ngày 27.10, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viện vừa cứu sống cháu bé bị nhiễm trùng máu do vi khuẩn tụ cầu vàng kháng kháng sinh hiếm gặp.

Từ ngày 4.9, cháu Nguyễn Văn Linh (12 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Gia đình cho biết, vài ngày trước cháu bị sốt cao đột ngột, đi khám bệnh ở cơ sở tuyến dưới thì được chẩn đoán sốt virus, nhưng sau đó 2-3 ngày cháu lại bị nổi ban ngứa toàn thân, gãi nhiều, sau đó tiếp tục bị đau khớp hang, đau cơ đáy chậu và sốt cao liên tục. Bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán là cháu bị dị ứng thuốc nên chuyển tới Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai.

img

Bệnh nhân Nguyễn Văn Linh đã khỏe mạnh và chuẩn bị xuất viện.

Theo TS Dũng, với các triệu chứng sốc nhiễm trùng, các bác sĩ đã nghi ngờ bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết, tuy nhiên không rõ nhiễm vi khuẩn gì, đường vào từ đâu. Một số điều trị giảm sốt đều không cho kết quả. Sau khi thăm khám nhiều lần, các bác sĩ nhận thấy cháu Linh có nhiều vết xước ở chân, có vết vẫn hơi sưng, có vết đã thành sẹo.

Người nhà cho biết đó là do sau khi điều trị sốt virus cháu bị ngứa nên tự gãi, rách da. “Chúng tôi nhận định có thể vi trùng vào từ đường da nên đã làm xét nghiệm tụ cầu vàng. Kết quả đúng như dự đoán, cháu bé đã bị nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng. Do bệnh nặng nên đã khẩn cấp cho dùng kháng sinh chống tụ cầu thế hệ thứ 2, truyền dịch, trợ tim để nâng huyết áp. Tuy nhiên không hiểu sao bệnh vẫn không thuyên giảm mà còn thêm các biểu hiện viêm phổi, gây khó thở, khiến bệnh nhi hết sức nguy kịch” – TS Dũng cho biết.

Theo phân tích của TS Dũng, cách đây 15 năm, các trường hợp nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi bị mụn nhọt, lở ngứa khắp người. Nhưng những năm gần đây rất hiếm gặp. Vi khuẩn tụ cầu vàng thường ký sinh ở da người, tuy nhiên ít gây bệnh. Chỉ khi cơ thể bị xước, mọc mụn viêm nhiễm thì vi khuẩn mới vào máu và “chu du” khắp cơ thể.

Vào đến phổi thì gây viêm phổi, viêm màng phổi. Vào háng thì gây viêm khớp háng như trường hợp của cháu Linh. Tuy gây bệnh nặng nhưng vi khuẩn này dễ diệt bằng kháng sinh. Nhưng đây là trường hợp kháng kháng sinh điều trị tụ cầu vàng rất hiếm gặp. Thuốc điều trị tụ cầu vàng ở Việt Nam hiện mới chỉ có 3 thế hệ, thậm chí trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế mới chỉ dùng đến thế hệ thứ 2. Do đó, các bác sĩ đã phải chỉ định mua thuốc kháng sinh thế hệ thứ 3 bên ngoài.

Trong lúc chờ thuốc bệnh nhân đã biến chứng phổi tràn dịch, mủ khắp phổi, gây tắc nghẽn đường thở. Bệnh viện đã phải phẫu thuật mở màng phổi, khẩn trương chạy máy liên tục để hút dịch và mủ ra. Sau đó, nhờ điều trị thuốc kháng sinh thế hệ 3, bệnh tình mới thuyên giảm. TS Dũng cho biết, vì kháng kháng sinh liều cao nên bệnh đáng nhẽ được điều trị từ 7-10 ngày mà phải kéo dài tới 50 ngày, lại còn suýt nguy hiểm đến tính mạng.

Theo TS Dũng, các bậc cha mẹ không nên coi thường các vết xước tay chân, vết cắt, mụn nhọt gây sưng và mưng mủ của con. Nếu trước đó con gặp các vết sước gây sưng tấy, lại sốt cao thì cần phải thông báo cho bác sĩ biết để loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác mà nghĩ tới nhiễm trùng do vi khuẩn tụ cầu vàng. Ngoài ra, việc điều trị kháng sinh cho con cũng phải hết sức thận trọng, tránh gây ra tình trạng kháng kháng sinh liều cao, đến mức “hết thuốc chữa” nếu gặp các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem