Syria bất ngờ giáng đòn đau vào hạm đội của Nga ở Địa Trung Hải

Phương Đăng (theo Miami Herald) Thứ tư, ngày 22/01/2025 21:38 PM (GMT+7)
Chính quyền mới ở Syria vừa chấm dứt hợp đồng đầu tư tại cảng Tartus nằm trên Địa Trung Hải với Nga, chuyển giao quyền quản lý cơ sở này lại cho Damascus. Động thái này được cho là giáng đòn mạnh vào chính quyền của Tổng thống Putin.
Bình luận 0
Syria bất ngờ giáng đòn đau vào hạm đội của Tổng thống Putin ở Địa Trung Hải - Ảnh 1.

Tàu Nga chuẩn bị rời cảng Tartus vào ngày 26/9/2019. Ảnh Miami Herald

Theo báo Miami Herald, Chính phủ mới của Syria - lên nắm quyền sau sự sụp đổ của cựu Tổng thống Syria Bashar-al-Assad - vừa chấm dứt hợp đồng đầu tư kéo dài 49 năm với công ty xây dựng Stroytransgaz của Nga vốn được ký vào năm 2019, theo đó Moscow sẽ chi 500 triệu USD để hiện đại hóa cảng.

Vào năm 2019, chính quyền cũ của Syria đã ký hợp đồng đầu tư với công ty Nga Stroytransgaz để mở rộng cảng Tartus. Nga cam kết đầu tư ít nhất 500 triệu USD trong vòng 4 năm, nhưng các quan chức Syria cho rằng, các cam kết này đã không được thực hiện đầy đủ.

Ông Riyad Joudi, Giám đốc Cục hải quan Tartus tuyên bố, quyền quản lý cảng Tartus giờ đây sẽ được chuyển giao lại cho chính phủ Syria. Ngoài ra, phía Syria sẽ chịu trách nhiệm khôi phục các trang thiết bị lỗi thời mà trước đây công ty Nga đã sử dụng nhưng không thực hiện nâng cấp theo cam kết trong hợp đồng.

Ông Joudi cho biết, cảng Tartus hiện gần như bị tê liệt do các quy định chặt chẽ và chi phí dịch vụ vận chuyển cao. Để cải thiện tình hình, chính phủ chuyển tiếp của Syria đã giảm thuế hải quan tới 60% cho một số loại hàng hóa, đồng thời bắt đầu tái cấu trúc hoạt động cảng, bao gồm việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cải thiện hiệu quả vận hành.

Cảng Tartus vốn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự và địa chính trị của Moscow. Từ năm 1977, cảng này đã được Nga sử dụng làm trung tâm hậu cần, đặc biệt là trong chiến dịch can thiệp quân sự tại Syria năm 2015.

Cảng Tartus không chỉ hỗ trợ các hoạt động quân sự của Nga mà còn giúp Moscow giám sát các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Địa Trung Hải và trở thành điểm xuất phát cho các hoạt động quân sự của tập đoàn Wagner tại châu Phi.

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế việc sử dụng eo biển Bosphorus, cảng này càng trở nên quan trọng đối với Nga trong việc duy trì ảnh hưởng trong khu vực.

Theo Miami Herald, việc chính phủ mới của Syria giành lại quyền kiểm soát cảng Tartus cho thấy họ đang cố gắng giảm sự hiện diện của Moscow tại Damascus. Điều này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Nga và Syria trong tương lai. Đồng thời, việc mất cảng Tartus là một đòn giáng mạnh vào hải quân Nga, vốn đang mất đi chỗ đứng quan trọng tại Địa Trung Hải.

"Việc Syria hủy hợp đồng đầu tư với công ty Nga và yêu cầu toàn bộ nhân viên rời khỏi cảng Tartus hoàn toàn là một bước tiến tới việc xóa bỏ sự hiện diện của Nga tại Syria", ông Mahmoud Toron, một nhà phân tích về chính trị và các vấn đề Trung Đông bình luận trên tờ Miami Herald.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem