Syria - phép thử của Tổng thống Nga

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ hai, ngày 05/10/2015 06:37 AM (GMT+7)
Tổng thống Nga V. Putin đã sử dụng Syria như một phép thử quan trọng để đưa nước Nga trở lại vị trí siêu cường trên bàn cờ chính trị thế giới - giới phân tích chính trị quốc tế bình luận.
Bình luận 0

Putin hiểu Syria hơn cả?

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria đã bước vào ngày thứ tư liên tiếp với những trận mưa bom giội vào các thành trì của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tại đây. Trung tướng Andrey Kartapolov, thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết, không quân Nga đã tiến hành hơn 60 chuyến bay ngày và đêm, ném bom hơn 50 mục tiêu IS  trong 3 ngày, phá hủy đáng kể khả năng chiến đấu của bọn IS.

img

Hình ảnh máy bay chiến đấu của Nga giội bom vào các thành trì của IS ở Syria. Ảnh: RT

Hãng tin Reuters dẫn bình luận của nhà phân tích chính trị người Italia Giuseppe D’Amato cho rằng, cuộc chiến mà Nga đang tham gia không chỉ để cứu chính quyền của Tổng thống Assad mà còn thể hiện quan điểm cứng rắn của Nga đối với các phong trào Hồi giáo. Cách đây không lâu, trong một bài phát biểu của mình trước người dân Nga, Tổng thống Putin đã bày tỏ rằng, ông muốn tạo nên một nước Nga cực kỳ hùng mạnh, một nước Nga vĩ đại trên mọi phương diện, hay một nước Nga trong hình ảnh siêu cường quốc, trước khi ông nghỉ hưu. Và hiển nhiên, đối với người dân Nga, họ tự hào về điều này, người Nga đặt niềm tin vào vị tổng thống của họ hơn là những lo âu trong thời kỳ cấm vận. Cho dù là một cuộc chiến chống khủng bố, hay một chiến lược để vực lại nước Nga, sự lựa chọn của ông Putin đều được người Nga tin rằng “đều có lý do”.

Tờ Người Bảo vệ của Anh trong một bài viết có tựa đề “Tại sao phương Tây nên lắng nghe Putin về Syria” của tác giả Simon Jenkins viết rằng, trong chuyến thăm Anh hồi tháng 6, nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger thừa nhận rằng, trong cuộc chiến chống khủng bố, không nên xem Nga là kẻ thù mà phải coi Nga là một đồng minh hùng mạnh. Nga đã từng đưa ra những nhận định cứng rắn từ năm 2011 rằng, lật đổ Tổng thống Syria Assad không phải là giải pháp để thiết lập hòa bình. Sự trở lại của những kẻ thù của ông Assad mới là thảm họa hủy diệt Syria. Tờ Người Bảo vệ bình luận: “Nếu chúng ta không có gì thông minh hơn để nói về Syria, chúng ta nên lắng nghe Putin. Ông ấy có điều đó”.

Nghi ngờ ý định của Putin

Tuy nhiên, mỗi ngày trôi qua sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria càng được tăng lên cả về số lượng và chất lượng, cộng đồng quốc tế đặt ra báo động về ý định thực sự của Mátxcơva. Trong một tuyên bố chung, một liên minh gồm các nước Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức, Qatar và Saudi Arabia đã buộc tội Nga tấn công phe đối lập Syria và dân thường, thay vì chiến đấu chống IS như lời Mátxcơva nói. Nga đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cho rằng, Mátxcơva không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào chống lại dân thường, chỉ tập trung vào các sào huyệt của IS.

Tổng thống Mỹ Barak Obama cho rằng chiến dịch quân sự của Nga tại Syria nhằm ủng hộ Tổng thống al-Assad là một công thức thảm họa. Ông Obama cũng bày tỏ hy vọng Nga sẽ tham gia cùng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống IS và thúc đẩy quá trình chuyển giao chính trị tại Syria.

Phản ứng trước sức ép này, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng, Tổng thống Putin đã nhắc lại lập trường phối hợp hành động tại Syria vì lợi ích của các bên.

Tuy nhiên, phản ứng và tuyên bố của Nga vẫn chưa làm yên lòng dư luận. Giới phân tích chỉ ra rằng, thực tế, ông Putin đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu quân sự khác trước khi kết thúc cuộc chiến trước đó trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang suy yếu nghiêm trọng. “Có lẽ ông Putin đang cố gắng để tạo ra một sự đã rồi ở Syria. Tuy nhiên ông đã không xác định được nước cờ chốt hạ của mình. Mục tiêu hàng đầu của ông Putin có lẽ là trở thành người môi giới trong một cuộc hòa giải và để chắc chắn rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ có một vị trí trên bàn đàm phán. Hiện ông Assad đang ở thế lui binh và không còn đủ tư cách để đại diện cho đất nước”- nhà phân tích Giuseppe D’Amato nhận định.

Những ý kiến khác cho rằng Tổng thống Nga đang đứng trước hai lựa chọn, tập trung thúc đẩy kinh tế hay tăng cường vũ trang quân sự. Thực tế thì ông Putin đang phải hoạt động bằng nguồn tiền dự trữ hạn chế 350 tỷ USD vốn đang giảm dần. Đây không chỉ là hậu quả chính trị tiềm tàng và sự bất ổn xã hội mà ông Putin hiện phải lo lắng. Với việc tiến vào Syria, ông Putin sẽ phải thực sự tham gia vào cuộc chiến chống IS và Hồi giáo cực đoan, chưa kể nước Nga còn có một dân số Hồi giáo khá lớn và không ổn định. 

 Các cuộc không kích của Nga cũng đang làm gia tăng đồn đoán về khả năng Mỹ có thể sẽ triển khai lực lượng để bảo vệ lực lượng đối lập Syria đã được Mỹ trang bị và đào tạo. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết đang có các cuộc thảo luận đầu tiên với Nga để tránh đối đầu giữa hai nước trong cuộc chiến tại Syria. 

Anh chuẩn bị tham chiến ở Syria

Thủ tướng Anh cho biết sẽ bỏ phiếu tại Quốc hội Anh để phê chuẩn hành động quân sự chống IS tại Syria. Thủ tướng David Cameron nêu rõ, việc Anh tiến hành các cuộc không kích tại Syria nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo có khả năng sẽ diễn ra. Ông Cameron cho biết sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng đặc nhiệm không quân Anh và mua 20 máy bay không người lái Protector. Theo nhà lãnh đạo của Anh, các chiến binh người Anh đang tham chiến cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Syria sẽ là mục tiêu của các cuộc không kích. Trước đó, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành hơn 2.500 cuộc không kích tại Syria nhưng đã thất bại trong việc đối phó với IS thời gian qua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem