Cao nguyên Golan.
Trong khi đó, ngày 21.3, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố thừa nhận Cao nguyên Golan là của Israel. Tuyên bố của ông Trump ngày 21.3 đánh dấu sự thay đổi bất ngờ trong chính sách của Mỹ đối với quy chế của một vùng đất có tranh chấp mà Israel chiếm từ tay Syria trong cuộc chiến sáu ngày hồi năm 1967 và sáp nhập vào năm 1981 – một động thái không được quốc tế thừa nhận.
Tuyên bố của ông Trump là bước đi mới nhất của Mỹ gây phẫn nộ ở Trung Đông - ở cả những quốc gia thù địch với Israel lẫn những nước có quan hệ với Tel Aviv và là đồng minh của Mỹ.
Tuyên bố này diễn ra sau việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng 12.2017 – quyết định cũng làm bùng phát chỉ trích của cộng đồng quốc tế do quy chế gây tranh cãi của Jerusalem vẫn là vấn đề trọng tâm trong xung đột Israel-Palestine.
Nga, một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad có lực lượng trú đóng ở Syria, nói rằng tuyên bố của ông Trump có nguy cơ khiến cho khu vực bị bất ổn nghiêm trọng, và họ bày tỏ hy vọng rằng phát ngôn này chỉ mang tính tuyên bố mà thôi.
Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về vấn đề Trung Đông và các nước châu Phi, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov bình luận, việc Mỹ công nhận Golan là lãnh thổ Israel có thể làm suy yếu triển vọng giải quyết mâu thuẫn giữa thế giới Ả Rập và Israel. “Dựa trên khái niệm "hòa bình để đổi lấy lãnh thổ" và sáng kiến hòa bình của Ả Rập. Chưa kể tới những nghị quyết công nhận luật về sáp nhập đông Jerusalem và Cao nguyên Golan là không hợp lệ, bất hợp pháp và trái với luật pháp quốc tế", ông Bogdanov nói.
"Đương nhiên đây là điều đáng buồn. Người Mỹ đang làm suy yếu bản thân những triển vọng giải quyết xung đột giữa người Ả Rập và Israel", Thứ trưởng Ngoại giao nói.
Trong khi đó Iran, đồng minh chính trong khu vực của ông Assad và cũng có quân ở Syria, lên án tuyên bố của ông Trump là ‘bất hợp pháp và không thể chấp nhận’.
“Quyết định cá nhân của ông Trump… sẽ dẫn đến khủng hoảng trong khu vực”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran phát biểu.
Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và là đối thủ của Syria , cũng nói rằng động thái này đã đưa khu vực Trung Đông đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới và không thể nào cho phép hợp pháp hóa việc chiếm đóng Cao nguyên Golan.
Sau hàng chục năm yên bình kể từ lệnh ngừng chiến hồi năm 1974 do lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giám sát, Cao nguyên Golan đã trở lại thành điểm nóng căng thẳng khu vực trong cuộc nội chiến Syria. Hồi tháng 5.2018, Israel cáo buộc Vệ binh Cộng hòa Iran bắn tên lửa vào lãnh thổ họ, từ ranh giới ngưng bắn phía lãnh thổ Syria.
Israel, vốn đã tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào cái mà họ gọi là các mục tiêu do Iran hậu thuẫn ở Syria, đã yêu cầu Nga đưa các lực lượng đồng minh với Iran ra khỏi vùng biên giới.
Bên lằn ranh ngưng bắn phía lãnh thổ Syria đã bị phiến quân kiểm soát trong nhiều năm cho đến khi lực lượng chính phủ giành lại nó hồi tháng 7.2018.
Israel nói cuộc nội chiến ở Syria đã tái khẳng định nhu cầu phải giữ vùng cao nguyên này vốn được các bên thèm muốn do nguồn nước và đất đai màu mỡ của nó như là vùng đệm ngăn cách giữa các thị trấn Israel với sự bất ổn của các nước láng giềng.
Liên minh châu Âu nói lập trường của họ đối với quy chế của Cao nguyên Golan là không thay đổi và họ không công nhận chủ quyền của Israel đối với vùng cao nguyên chiến lược này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.