Đó là nội dung ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ VHTT&DL lấy ví dụ về cam kết thanh toán tác quyền khi trả lời những thắc mắc tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 15/2016/NĐ-CP và Thông tư 01/2016/TT- BVHTTDL mới đây.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự
1. Xung quanh Nghị định và thông tư trên, mới đây, giới nhạc sĩ đã có những phản ứng xung quanh bản quyền tác phẩm. Cụ thể, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng, trong Điều 9 – Nghị định 15 quy định “Thẩm quyền và thủ tục cấp, thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang” phải có “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”, trong khi Thông tư 01 lại ban hành “Mẫu văn bản số 14: Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Và trong mẫu văn bản này đưa ra chỉ là “Đơn cam kết” của nhà tổ chức. Theo các nhạc sĩ, mẫu đơn này đã "gạt" các tác giả ra ngoài, khiến họ không thể kiểm soát được quyền sở hữu hợp pháp đối với tác phẩm của mình.
Trả lời khúc mắc này, ông Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh: “Điều tiên quyết là pháp luật không cho phép chúng ta hành chính hóa các quan hệ dân sự. Đây là quy định của pháp luật. Khi biết rồi mà vẫn còn làm sai sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”.
Ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng: “Điểm mấu chốt trong khúc mắc tác quyền ở đây không phải là các tổ chức, cá nhân không đóng tác quyền. Người ta cũng muốn đóng góp, muốn thực thi tác quyền, nhưng quan trọng là mức thu thoản thuận giữa người sở hữu tác phẩm và người đại diện cho tác giả và chủ sở hữu không thống nhất được với nhau...”
“Chính vì vậy, trong Nghị định 15 chỉ có một cam kết, nhưng trong Thông tư 01 ban hành có bổ sung thêm 3 mẫu giấy tờ. Đây là hành lang pháp lý tương đối thông thoáng để các tổ chức cá nhân thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về tác quyền. Tuy nhiên, 2 mẫu đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ, không thể đưa vào Thông tư 01, vì sẽ lấn sang phạm vi của nhau. Do đó, Thông tư 01 chỉ có một mẫu đơn cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn” – ông Nguyễn Đăng Chương cho hay.
Biện pháp giải quyết vấn đề bản quyền theo Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương là: “Cái gì luật không cho phép thì không thể đưa vào. Do vậy, các trung tâm bảo hộ quyền tác giả phải có trách nhiệm phát hiện ra những tổ chức cá nhân không nộp tác quyền và có văn bản kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước. Các Sở VHTT&DL, Cục NTBD sẽ từ chối, không cấp phép lần sau với các đơn vị chưa làm nghĩa vụ tác quyền, chưa trả nhuận bút với chủ sở hữu. Việc này xử lý hết sức đơn giản, không có gì đao to búa lớn. Chúng ta phải làm đúng luật, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước”- ông Chương giải thích thêm.
2. Phát biểu tại hội nghị, NSND Trần Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam cho hay: “Thông tư 01 cộng với đơn cam kết trả tác quyền của các đơn vị là quá đầy đủ”. Ở góc độ đơn vị nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Bình cho rằng: “Từ lâu, trung tâm bảo hộ quyền tác giả đã muốn được các cơ quan quản lý từ cấp trung ương tới địa phương chia sẻ quyền được cấp phép, coi đây là một thức giấy phép con. Phản ứng vừa rồi của nhạc sĩ Phó Đức Phương cần phải phân định rạch ròi. Vì hơn 10 năm thành lập, những năm đầu chỉ thu được vài trăm triệu tiền tác quyền, đến năm 2015 thu đến hàng trăm tỷ. Như thế, việc tự nguyện đóng góp của các đơn vị sử dụng tác quyền và các đơn vị nghệ thuật tổ chức sự kiện trong cả nước là rất lớn...”
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục NTBD chỉ cấp phép cho 12 đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp thuộc Trung ương. Những năm gần đây 12 nhà hát không có sai phạm gì khiến các địa phương phải bức xúc. Thậm chí, Cục NTBD thường xuyên phải đi giải quyết những tổ chức cá nhân giả danh các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ để tổ chức hoạt động.
Nghị định 15/2016/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2016 và Thông tư 01/2016/TT- BVHTTDL có hiệu lực vào ngày 15/5/2016. Sắp tới, Bộ VHTT&DL sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 158 về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực VH, TT&DL cho đủ sức răn đe.
An Như (Thể thao & Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.