Chúng tôi không thể ngờ rằng, chỉ vài ngày sau đó,
chúng tôi lại có mặt ở chính tâm của siêu bão - thành phố Tacloban - nơi gần như bị san phẳng bởi cơn bão lớn nhất trong thế kỷ qua.
Vé một chiều tới Tacloban
Ngay sau khi một vài thông tin, hình ảnh còn ít ỏi từ các hãng thông tấn nước ngoài đưa về những hậu quả ghê gớm mà Tacloban phải chịu đựng, chúng tôi nhận được điện thoại của Tổng Biên tập, yêu cầu lên đường gấp để tới ngay điểm nóng Tacloban.
Một người phụ nữ Tacloban với gương mặt buồn bã trước ngôi nhà bị siêu bão phá hủy.
Điều chúng tôi lo lắng không phải là tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn, cướp bóc xảy ra tại Tacloban mà là việc thành phố này đang trong tình trạng tê liệt hoàn toàn: Nghĩa là không điện, không nước, không điện thoại... Với những người làm báo chúng tôi, điều quan trọng nhất là làm sao gửi được tin, bài, ảnh về tòa soạn càng sớm càng tốt. Nhưng với một thành phố hạ tầng như vậy, chúng tôi có hoàn thành được nhiệm vụ?
Nhưng chúng tôi vẫn khoác ba lô lên đường. Khó khăn nhất với chúng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác là làm sao nhanh chóng tiếp cận được với sân bay ở thành phố Tacloban vẫn còn bị đóng cửa do bị siêu bão phá hủy khá nặng nề. Chỉ có những chuyến bay của máy bay quân đội mới có thể hạ cánh tại đó. Còn nếu không, chỉ có cách đi phà cao tốc từ Cebu tới thành phố Ormoc, sau đó từ Ormoc đi 3 tiếng bằng ô tô để tiếp cận Tacloban. Ngay cả cách này cũng không đảm bảo có thể tới ngay được nơi chúng tôi cần tới và mất rất nhiều thời gian.
Chúng tôi đã tính cả tới phương án tới Hội Chữ thập đỏ Philippines để trông chờ trợ giúp về phương tiện, nhưng thất bại. May mắn thay, ngay khi chúng tôi đặt chân tới Cebu – thành phố du lịch nổi tiếng và chỉ cách Tacloban nửa giờ bay, chúng tôi có được thông tin rất vui: Sân bay Tacloban vừa mở cửa trở lại để phục vụ cho những chuyến bay tiếp tế lương thực, thuốc men y tế…
Ngay lập tức, chúng tôi lên mạng của Hãng Cebu Airlines để đặt vé. Tuy nhiên, chỉ có hai lựa chọn: Một là mua vé khứ hồi đi Tacloban trong ngày (vì hãng hàng không bán trước vé chiều về qua ngày). Như vậy chúng tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ để tác nghiệp. Hai là mua vé một chiều để tới Tacloban, nhưng chưa biết khi nào mới có thể bay về. Như lúc ở nhà, cuối cùng cả hai tặc lưỡi: Cứ đến đó đã. Mọi việc… để mai tính.
Vừa đặt chân xuống sân bay Tacloban, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng mà trước đó chúng tôi chỉ được nhìn thấy trong các thước phim tài liệu về cảnh TP. Sài Gòn những ngày tháng lịch sử trước 30.4.1975: Hàng nghìn con người đang nằm vạ vật ở sân bay để chờ đợi những chuyến bay mang họ thoát khỏi một thành phố chết với đúng nghĩa của nó. Tiếng la hét của người lớn, tiếng khóc của trẻ con, tiếng cãi nhau, gọi nhau tạo nên một bầu không khí hết sức hỗn loạn. Ở đầu kia sân bay, những chiếc trực thăng quân sự tấp nập lên xuống.
Các lực lượng cứu trợ từ nhiều nước đang hối hả chuyển hàng tiếp tế cứu trợ từ các máy bay xuống sân bay. Cả thế giới đang hướng trái tim mình về những đồng loại không may mắn ở Tacloban.
Tình người ở TaclobanNhờ có Pong, một người dân bản địa tốt bụng, chúng tôi đã tới được khách sạn Leyte Park, khách sạn duy nhất ở Tacloban gần như nguyên vẹn sau siêu bão. Đây là nơi tập trung hầu hết phóng viên báo chí khắp thế giới đến Tacloban tác nghiệp. Chủ khách sạn nói nhẹ tênh: Còn phòng, nhưng không có điện, không nước, không đồ ăn, không phục vụ, giá 2.600 peso/đêm (tương đương 1,3 triệu VND). Thôi thì thà có chỗ ngả lưng còn hơn ra ngoài hành lang nằm.
Raffy Bosano, anh chàng làm việc cho Đài Truyền hình ABS - CBN của Philippines, khi biết chúng tôi là những nhà báo đến từ Việt Nam đã chia sẻ thông tin và mời chúng tôi đi cùng anh tới gặp một nạn nhân người Việt Nam sống ở Buraven, cách Tacloban gần 60km để làm phóng sự. Tiếc là hôm sau, do có công việc đột xuất nên nhóm của Raffy phải bỏ lỡ kế hoạch đó, nhưng chúng tôi vẫn rất cảm kích trước tấm lòng của các đồng nghiệp nước bạn.
|
Trước khi đến Tacloban, chúng tôi đã được nghe rất nhiều lời cảnh báo về chuyện đi lại ở đây: Phải hết sức thận trọng vì người dân ở đây đang trong tình trạng khủng hoảng, thiếu thốn trầm trọng. Ngay cả Pong cũng cảnh báo chúng tôi về tình trạng mất an ninh, đặc biệt là buổi đêm. Anh dặn: “Phải luôn cẩn thận và không được tin bất cứ ai”.
Nhưng ngay đêm đầu tiên, chúng tôi đã cuốc bộ tới tòa nhà hội đồng, cách khách sạn 3-4km để tác nghiệp và trở về trong yên bình. Cảm nhận chung của chúng tôi những ngày ở Tacloban là người dân nơi đây rất thân thiện, dễ mến dù rằng tất cả họ vừa phải trải qua những thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời. Với người này là mất người thân, thậm chí rất nhiều người thân; với người kia là mất nhà cửa, trắng tay… Nhưng họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn cho chúng tôi.
Và có điều rất đặc biệt: Khi chúng tôi nói với họ rằng mình đến từ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rõ những ánh mắt thiện cảm và nụ cười thân thiện, hồn hậu. Đại gia đình của Anthony Biong, một ngư dân 35 tuổi đã mất sạch nhà cửa, tài sản trong siêu bão - phải sống tạm phía trước tòa nhà hội đồng, chia sẻ với chúng tôi một buổi tối rất đáng nhớ. Chúng tôi được Anthony mời uống rượu tuba, một loại đồ uống đặc trưng của người Philippines nấu từ cây dừa nước. Bà mẹ thì đon đả mời chúng tôi ăn cả nửa cái đùi thịt lợn nướng, thực phẩm duy nhất họ vừa được Chính phủ phân phát cho.
Hỏi Anthony nhà ở đâu, anh trả lời “washed out” (bị quét sạch rồi) rồi chỉ ra phía biển, cười tươi. Đến manh áo cũng chẳng còn nên buổi đêm, Anthony co ro như con mèo bên bếp lửa. Chỉ sau năm lần bảy lượt từ chối, anh mới miễn cưỡng nhận chiếc áo khoác mỏng từ tay chúng tôi…
Trong những ngày tác nghiệp ở đây, hầu như tôi rất ít thấy những sự phiền muộn hoặc cáu gắt đến từ những người dân Tacloban. Dù có phải xếp hàng dài dặc dưới trời nắng gắt để chờ đến lượt sạc pin điện thoại hay lấy nước uống ở bên ngoài tòa thị chính, họ cũng luôn tỏ ra rất nhẫn nại và lặng lẽ chờ đợi. Các lực lượng hỗ trợ của Chính phủ, dù là cảnh sát hay quân đội, bác sĩ hay y tá, cũng không hề có một lời nói to tiếng nào khi thực hiện nhiệm vụ. Thậm chí rất nhiều nụ cười tươi và cánh tay dang ra sẵn sàng giúp đỡ người dân khi được cậy nhờ.
Chính những điều này đã khiến chúng tôi thấy an tâm hơn và thúc giục chúng tôi tác nghiệp nhiều hơn, nhanh hơn để chuyển những thông tin nóng hổi nhất từ Tacloban về tòa soạn. Bởi trong những bài báo đó đều ít nhiều chứa đựng những tâm sự mà người dân Tacloban mong muốn gửi gắm: Họ cần nhiều lắm những sẻ chia và giúp đỡ, từ ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, để mảnh đất quê hương thân yêu của họ có thể hồi sinh sớm nhất.
Hữu Thọ - Hải Phong (Hữu Thọ - Hải Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.