Tham dự giải tuyển chọn VĐV dự Olympic khu vực châu Á diễn ra tại Philippines, taekwondo Việt Nam có 4 niềm hy vọng là Trương Thị Kim Tuyền (-49kg nữ), Hà Thị Nguyên (-67kg nữ), Phan Trung Đức (-68kg nam), Nguyễn Văn Duy (-58kg nam). Kết quả, cả 4 VĐV đều không thể lọt vào trận chung kết ở mỗi hạng cân đồng nghĩa với những tấm vé dự Olympic 2016 ở Brazil.
Võ sĩ Hà Thị Nguyên đã không thể giành vé dự Olympic 2016. Ảnh: Hiền Anh.
Nói cách khác, lần đầu tiên sau 16 năm kể từ tấm HCB lịch sử của võ sĩ Trần Hiếu Ngân tại Olympic 2000, taekwondo Việt Nam đã không thể có đại diện ở một kỳ Thế vận hội. Đây rõ ràng là một nỗi đau với một môn võ từng được coi là nơi có thể giúp Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế trên đấu trường thế giới.
Chiều 17.4, Dân Việt đã mang câu hỏi “vì đâu đến nỗi” với ông Nguyễn Hồng Minh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT thì nhận được lời đáp: “Tôi không bất ngờ về việc taekwondo Việt Nam vắng mặt ở Olympic 2016. Đây là hệ quả tất yếu của một quá trình”.
Ông Minh kể lại một câu chuyện được coi như sự bắt đầu trong hành trình xuống dốc không phanh của taekwondo Việt Nam: “Giai đoạn 2000-2008 là thời kỳ taekwondo Việt Nam phát triển mạnh. Sau HCB của Hiếu Ngân, chúng ta vẫn có những VĐV tài năng như Quốc Huân, Văn Hùng, Huyền Diệu, Hoài Thu…Nhưng trong một cuộc họp của Ủy ban Olympic chuẩn bị cho Olympic 2008, tôi đã cảm nhận thấy mọi thứ sẽ đi xuống. Thời điểm đó, chúng tôi có đề nghị cần đầu tư mạnh cho taekwondo với kinh phí 500.000 USD. Nhưng lãnh đạo bảo phải cam kết có HCV Olympic 2008 thì mới ký. Việc lãnh đạo “ép”, đánh đố cấp dưới như vậy khiến cả hội trường lúc đó cười ồ, còn những người làm taekwondo thì lòng đau. Ngay từ thời điểm đó, quan điểm của lãnh đạo ngành đã rõ ràng, phải có kết quả mới đầu tư và đó là cái khó của taekwondo”.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng nguyên nhân chính khiến taekwondo Việt Nam đi xuống nằm ở quan điểm đầu tư từ lãnh đạo ngành. Ảnh: I.T.
Theo ông Minh, chính việc hạn chế trong quan điểm đầu tư đã khiến không ít VĐV có khả năng của taekwondo không có đủ niềm tin theo đuổi niềm đam mê đến cùng. Việc nhiều VĐV rẽ ngang khi bước vào độ “chín” khiến lực lượng của taekwondo Việt Nam luôn thiếu hụt, phải chắp vá: “Những năm qua, taekwondo thế giới phát triển mạnh mẽ, đến như “cái nôi” Hàn Quốc còn lao đao. Chúng ta không phát triển, đứng im có nghĩa là tụt lùi rất xa. Taekwondo thế giới lúc này khác hẳn 16 năm trước, các nước châu Âu, Tây Á… cũng phát triển rất mạnh. Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến là ở đội tuyển taekwondo những năm qua thiếu những HLV giỏi. Khí thế tập luyện ở đội tuyển cũng không còn được như trước. Ở những thời điểm quyết định, việc chúng ta chỉ biết trông chờ vào 1 VĐV còn trẻ như Kim Tuyền và 1 VĐV đã có tuổi như Hà Thị Nguyên đã nói lên tất cả”.
Trở lại với diễn biến thi đấu ở Philippines, hành trình thi đấu của các tuyển thủ được giới truyền thông dõi theo từng bước và HLV Nguyễn Thế Hiệp luôn cố gắng cập nhật thông tin mới nhất qua facebook cá nhân. Chiều 17.4, dòng trạng thái của HLV Nguyễn Thế Hiệp khiến tất cả những ai yêu taekwondo không khỏi buồn lòng: “Các VĐV đã tập luyện không mệt mỏi, các em đã cố gắng hết sức. Thay mặt ban huấn luyện, xin gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo và tất cả những người yêu taekwondo ở quê nhà”.
Trong ngày 16.4, võ sĩ 19 tuổi Trương Thị Kim Tuyền đã không thể vượt qua Yesbergenova Ainur (Kazakhstan) ở bán kết (2 VĐV lọt vào chung kết ở mỗi hạng cân đồng nghĩa sẽ có vé dự Thế vận hội). Sáng 17.4, Phan Trung Đức, Nguyễn Văn Duy lần lượt thua Peerathep (Thái Lan), Hamad (Arabia Saudi) ngay ở trận ra quân. Đến chiều nay, niềm hy vọng cuối cùng Hà Thị Nguyên cũng không thể tạo nên cú đột phá. Ở tứ kết, Nguyên thắng thuyết phục Gaganjot (Ấn Độ) 7-0. Nhưng đến bán kết, võ sĩ 26 tuổi này đã thua Cansel (Kazakhstan) bằng điểm “bàn thắng vàng” sau 3 hiệp chính hòa 0-0.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.