Có thành tích mới được đầu tư (?!)
Sau thành tích xuất sắc ở SEA Games 2015 với 8 HCV, những ngày giữa tháng 4.2016, đấu kiếm tiếp tục mang đến tin vui cho TTVN khi giành 3 suất chính thức dự Olympic 2016 thuộc về Lệ Dung (kiếm chém nữ), Thành An (kiếm chém nam), Như Hoa (kiếm 3 cạnh nữ).
Trước họ, TTVN đã có 9 suất thuộc về: 2 đô vật nữ Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng và vận động viên (VĐV) đi bộ Nguyễn Thành Ngưng, Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), 3 VĐV nam môn cử tạ (gần như chắc chắn trao cho Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Trần Anh Tuấn).
Việc VĐV đi bộ Nguyễn Thành Ngưng giành suất chính thức dự Olympic 2016 được coi là một bất ngờ lớn đối với TTVN. ảnh: I.T
Câu chuyện đáng chú ý là ở môn điền kinh, Nguyễn Thành Ngưng lại không có tên trong danh sách được “chọn mặt gửi vàng” gồm Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Thị Thu Thảo, Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thị Thanh Phúc. Tại giải vô địch đi bộ châu Á 2016 (Nhật Bản), Ngưng dự giải bằng kinh phí của địa phương Đà Nẵng và thành tích 1 giờ 23 phút 29 giây đã vượt chuẩn A Olympic (1 giờ 24 phút) trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn.
"Từ cách đây 20-30 năm, chúng ta cũng đã tổng kết, đúc rút, học hỏi những kinh nghiệm từ các nước phát triển về các tiêu chí tuyển chọn VĐV. Tất cả những lý thuyết này đã được truyền đạt cho lớp lớp HLV. Nhưng đến nay, TTVN chưa có một giải pháp tiến hành đồng bộ, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ lúc phát hiện VĐV, rồi theo dõi những bước tiến của họ”.
Ông Nguyễn Hồng Minh
|
Thành Ngưng vui thì rõ rồi, bởi kết quả ấy đã phản ánh những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải đến khi Ngưng giành chuẩn Olympic thì Tổng cục TDTT mới bổ sung anh vào danh sách những VĐV đầu tư trọng điểm, được hưởng chế độ 800.000 đồng/ngày? (trước đó, Ngưng chỉ được hưởng 350.000 đồng/ngày). Phải chăng, đã và đang có sự bất ổn trong cách tuyển chọn nhân tài của TTVN? Chỉ biết rằng, nếu như trên thế giới, các VĐV tiềm năng thường được phát hiện, đầu tư thật kỹ lưỡng, khoa học hướng tới những tấm huy chương ASIAD, Olympic, thì ở Việt Nam, VĐV phải có thành tích mới được quan tâm (?!).
Vẫn “đẽo cày giữa đường”
Không quá khi cho rằng tư duy, khả năng hoạch định đường dài của TTVN rất có vấn đề. Đằng sau câu chuyện “kép phụ” bất ngờ tỏa sáng ở mỗi kỳ SEA Games, ASIAD, giúp TTVN hoàn thành chỉ tiêu chung đã có những bài học kinh nghiệm được rút ra. Nhưng xong xuôi, tất cả vẫn đâu hoàn đó!
Trở lại thời điểm cách đây 1,5 năm, những ngày cuối tháng 9.2014, Bùi Thị Thu Thảo đã gây “sốc” khi giành HCB nhảy xa nữ tại ASIAD. Cái sự lạ không nằm ở thành tích của cô mà là trước đó, chẳng ai nghĩ tới chuyện điền tên Thảo vào danh sách đoàn TTVN dự ASIAD 2014. Phải tới khi cô bất ngờ giành HCV giải điền kinh quốc tế TP.HCM tháng 7.2014, Thu Thảo mới được gọi tên.
Trước Thu Thảo, ở đấu trường ASIAD (SEA Games thì vô số, không thể kể hết) còn có thể nhắc tới những “kép phụ” khác đã cứu cho đoàn TTVN những “bàn thua” trông thấy. Ví như tại ASIAD 2006 (Qatar) nếu không có “cú đúp vàng” của các cô gái cầu mây nữ Lưu Thị Thanh – Hải Thảo – Bích Thùy cộng với tấm HCV karatedo của nữ võ sĩ Nguyệt Ánh thì TTVN đã phải rơi vào cảnh bẽ bàng khi các môn chủ lực như cử tạ, taekwondo, billiards-snooker đều không thể bước lên bục cao nhất như kỳ vọng. Tới ASIAD 2010, “cánh chim lạ” Lê Bích Phương (karatedo) là người giành HCV duy nhất cho TTVN.
Xung quanh câu chuyện TTVN với nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng lại hay ngắm lệch “hồng tâm” và phải trông chờ vào các “kép phụ”, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT từng bày tỏ: “Các VĐV đầy tiềm năng chưa có cơ hội phát lộ là do cách nhìn nhận của các huấn luyện viên từ cấp cơ sở đến đội tuyển. Thêm vào đó, chuyện “quân anh, quân tôi” vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh của TTVN. Trong thể thao, không phải VĐV cứ phát triển đều đều năm này qua năm khác, mà có trường hợp chững lại một vài năm, sau đó có bước tiến vượt bậc. Nếu huấn luyện viên không hiểu rõ điều đó, không có sự tham chiếu từ các thông số khoa học mà vội vàng kết luận VĐV đã tới ngưỡng không phát triển được nữa mà bỏ bê đầu tư thì VĐV sẽ bị thui chột mất”./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.