Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Nông dân chủ lực, doanh nghiệp tiên phong

Đình Thắng Thứ hai, ngày 20/03/2017 06:45 AM (GMT+7)
Ngành nông nghiệp hướng đến năm 2020 xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Quá trình cơ cấu lại ngành lấy nông dân làm chủ lực, doanh nghiệp làm tiên phong...
Bình luận 0

Đó là mục tiêu của ngành nông nghiệp được đưa ra tại hội thảo tham vấn ý kiến về dự  thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 17.3.

Khó về thuế, phí và tín dụng

img

Một chiếc máy siêu hiện đại đang làm đất để trồng rau quả tại Vũ Thư, Thái Bình. Ảnh: Trần Quang

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là cơ cấu lại sản xuất theo 3 nhóm sản xuất: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên và thịt lợn, gia cầm; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm vùng miền. 

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, sau hơn 3 năm thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành tăng, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá. Tuy nhiên trong quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều hạn chế, kết quả chưa rõ nét, chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền. Các vấn đề đất đai, thị trường, công nghiệp chế biến, quản lý chất lượng vật tư đầu vào và an toàn thực phẩm… còn nhiều bất cập.

Về mục tiêu quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT) cho biết: “Bộ đặt ra mục tiêu tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt tối thiểu 3%/năm, tốc độ tăng thu nhập trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 3%/năm, thu nhập từ chăn nuôi bình quân đạt 5%/năm, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản đạt 5%/năm…

Đóng góp vào kế hoạch cơ cấu lại ngành trồng trọt, ông Lê Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Ngành trồng trọt có dư địa lớn để tăng trưởng nếu đầu tư khoa học công nghệ, cho nên nếu đặt mục tiêu ngành trồng trọt 3% khá khiêm tốn, chúng ta có thể đặt mục tiêu 3,2-3,5%. Ngành trồng trọt sẽ có cơ hội phát triển sâu nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giống cây trồng”.

Ông Bình cho biết thêm, hiện nay, những vấn đề khó khăn để nông dân cũng như doanh nghiệp mở rộng sản xuất làm ăn lớn là thuế, phí và tín dụng. Bộ NNPTNT cần đưa ra các chính sách, kiến nghị đề xuất cụ thể rõ ràng về tín dụng và có lộ trình thực hiện.

Sẽ có cơ chế đột phá về đất đai

Tại hội thảo, ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu, tôi không thấy kết quả rõ rệt khi thực hiện chương trình này trên địa bàn Vĩnh Phúc. Trong quá trình thực hiện, ngành nông nghiệp bộc lộ nhiều vấn đề mà không phải cứ đổ tiền vào nhiều là thành công. Cụ thể với đất đai chưa có cơ chế đột phá,  chính sách và cơ chế đất đai còn bộc lộ nhiều hạn chế”.

Theo ông Ý, nếu muốn có đột phá trong phát triển nông nghiệp  chúng ta phải có cơ chế đột phá về đất đai. Chúng ta đang thu hút và khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, doanh nghiệp cần nhất là cơ chế thông thoáng, đặc biệt là vấn đề đất đai. Doanh nghiệp không thể đầu tư lâu dài và bài bản nếu không có đất đủ để đầu tư sản xuất.

Giải đáp về các thắc mắc này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách đất đai và chính sách tín dụng đang được Bộ NNPTNT tập trung kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Hiện nay bộ đang rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, bao gồm chính sách về tạo thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, tiếp tục hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch quỹ đất cho sản xuất chăn nuôi và trồng cây thức ăn chăn nuôi”.

Đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp đang là một vấn đề cần được làm rõ. Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu thị trường, các sản phẩm nông nghiệp bán cho thị trường nào, kế hoạch cụ thể  cũng như lộ trình thực hiện ra sao. Trong điều kiện nước ta hội nhập cao, tính cạnh tranh rất lớn, cây ăn trái, thịt gia súc gia cầm nước ngoài đã tràn vào thị trường trong nước rất mạnh. Chúng ta đang bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Vì vậy, bên cạnh mở rộng thị trường nước ngoài, cần tính toán cả nhu cầu thị trường trong nước, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem