Dàn bom hạt nhân B-61.
Hôm đó là ngày 17/1/1957, và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Walter Robertson đang ngay ngáy nỗi lo Ngoại trưởng John Foster Dulles sẽ không đối đầu với Lầu Năm Góc về vấn đề đưa vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc. Robertson đã viết trong một bản ghi nhớ cho Bộ trưởng Dulles, nói rằng Bộ Ngoại giao cần phải phản đối một cách dứt khoát việc triển khai vũ khí nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên. “Theo tôi, việc đưa vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc, dù có kèm theo các thành phần hạt nhân hay không, trong thời điểm thế giới căng thẳng như thế này sẽ dẫn đến những hậu quả bất lợi nghiêm trọng trên khắp Viễn Đông”, ông Roberts Robertson viết. Theo ông, lợi ích quân sự đơn giản là không xứng đáng với các tổn thất chính trị.
Ngày hôm sau, Ngoại trưởng Dulles đã gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Charles Wilson và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Arthur Radford, đưa ra một số quan điểm tương tự. Ông Dulles nói với các đồng nghiệp của mình rằng sẽ rất khó thuyết phục các đồng minh của Washington rằng việc Mỹ đưa vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc là một phản ứng thích hợp đối với các hành vi vi phạm thỏa thuận đình chiến của Triều Tiên. Trong khi đó Đô đốc Radford tranh cãi rằng chính Bình Nhưỡng đã phá thế cân bằng quân sự trước. Và cách duy nhất Mỹ có thể giảm căng thẳng tình hình là đưa vũ khí chiến lược đến bờ bên kia đường ranh giới đình chiến.
Theo tạp chí National Interest, hai tài liệu vừa được giải mật tiết lộ những thông tin nói trên chỉ là một phần của bộ tài liệu mới được Cục Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ công bố hôm 20/11 vừa qua. Tài liệu nêu chi tiết cuộc tranh luận căng thẳng giữa các cơ quan an ninh Mỹ về việc liệu đưa vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc có phải là một chính sách phù hợp hay không.
Các bản ghi nhớ và hồ sơ cuộc họp mô tả một bức tranh khá rõ ràng, trong đó quân đội và lãnh đạo Lầu Năm Góc thúc đẩy triển khai vũ khí hạt nhân; Bộ Ngoại giao thì phản đối và Tổng thống Dwight Eisenhower đóng vai trò hòa giải gữa hai bên đang sôi sục tranh luận trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Cuối cùng, Washington đã thực sự triển khai vũ khí hạt nhân tới miền Nam bán đảo Triều Tiên. Nhưng theo những thư từ ngoại giao mới giải mật,, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bao giờ bị thuyết phục rằng việc triển khai vũ khí này là cần thiết hoặc phù hợp.
Các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Dulles, đã tập trung vào bức tranh vĩ mô trong suốt cuộc tranh luận của chính quyền Eisenhower: đó là việc triển khai vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc sẽ được các nước khối Xã hội chủ nghĩa diễn giải như thế nào; liệu Washington có xuất hiện như là một bên vi phạm trắng trợn Thỏa thuận Đình chiến và làm leo thang tình hình; và các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và Châu Á có hỗ trợ triển khai vũ khí mạnh nhất thế giới tới một trong những điểm nóng Chiến tranh Lạnh nguy hiểm nhất không?
Đó là những lo ngại mà Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Robertson đã viết gửi cho Ngoại trưởng Dulles, khi ông vô cùng bối rối về cách cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng cũng như đề nghị ông giải thích với các đồng minh, tại Liên Hợp Quốc và trước thế giới. “Liệu chúng ta có phải tự chịu trách nhiệm về việc vi phạm Hiệp định đình chiến Triều Tiên và đã gây ra căng thẳng rất lớn ở Viễn Đông…”, ông Roberton viết.
Binh sĩ Hàn Quốc tại khu vực biên giới liên Triều. Ảnh: Reuters
Gần hai tháng sau, ông Robert R. Bowie, Giám đốc Văn phòng Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã viết một bản ghi nhớ phác thảo cảnh báo mạnh mẽ của ông về những hậu quả tiêu cực của việc triển khai vũ khí hạt nhân. “Ngay cả trên cơ sở lý luận được đề xuất, để giải quyết vấn đề cân bằng quân sự, không có gì cho thấy sức mạnh Cộng sản ở Triều Tiên đã tăng lên đến mức chúng ta phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc”, ông Bow Bowie viết.
Đó cũng chính là lập luận mà Ngoại trưởng Dulles đã đưa ra trong cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 4/4/1957 với Tổng thống Eisenhower: “Ngoại trưởng Dulles đã hỏi liệu có thực sự đáng để bạn bè và đồng minh của chúng ta coi ta là những kẻ vi phạm một thỏa thuận quốc tế chỉ để có được hai vũ khí đặc biệt này trong tay lực lượng của chúng ta tại Hàn Quốc?” – bản ghi giải mật tiết lộ phát biểu của ông Dulles.
Và cuối cùng mối quan tâm của Bộ trưởng Dulles đã đúng một phần. Chẳng hạn, Australia và New Zealand bày tỏ lo lắng trong các cuộc trò chuyện với đại diện của Mỹ rằng Seoul sẽ được phép vận hành vũ khí dưới sự chỉ huy của chính họ. Người Pháp "muốn được đảm bảo rằng Mỹ sẽ không vượt quá các hành động của phe Xã hội chủ nghĩa”.
Một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên trong cuộc diễu binh ngày 15/4/2017. Ảnh: AFP
Ngày nay chúng ta đều biết câu chuyện này đã kết thúc như thế nào. Hàn Quốc đã cho phép triển khai vũ khí hạt nhân do chính Mỹ kiểm soát trong nhiều thập kỷ cho đến khi Tổng thống George H.W. Bush đơn phương rút chúng khỏi Hàn Quốc vào năm 1991. Đó là chính sách của Mỹ kể từ khi theo đuổi mục tiêu Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, một mục tiêu đã trở nên rất khó khăn sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên cách đây hơn 13 năm
Thu Hằng (Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.