Tại nơi từng cam go nhất chống dịch Covid-19: "Năm nay chúng tôi sẽ có cái Tết trọn vẹn"
Tại nơi từng cam go nhất chống dịch Covid-19: "Năm nay chúng tôi sẽ có cái Tết trọn vẹn bên gia đình"
Gia Khiêm
Thứ năm, ngày 19/01/2023 06:07 AM (GMT+7)
Nếu như năm trước không khí làm việc tại khoa Hồi sức tích cực – nơi cam go nhất chống dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các nhân viên y tế không một phút nghỉ ngơi, dành 200-300% tâm sức làm việc, chạy đua cứu chữa bệnh nhân thì Tết Nguyên đán này mọi thứ đã trở lại bình thường.
Tết về tại nơi từng cam go nhất chống dịch Covid-19
Chiều một ngày cuối năm, nhận được tin báo có ca cấp cứu, phải can thiệp thở máy bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cùng đội ngũ y bác sĩ đã nhanh chóng ai tập trung cứu chữa. Đây là bệnh nhân cần hồi sức truyền nhiễm được chuyển từ chuyến dưới lên.
Nếu như đúng thời điểm này năm trước không khí làm việc tại khoa Hồi sức tích cực – nơi cam go nhất chống dịch Covid-19 các nhân viên y tế không một phút nghỉ ngơi, dành 200-300% tâm sức làm việc, chạy đua cứu chữa bệnh nhân thì giờ đây mọi thứ đã trở lại bình thường.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Phúc chia sẻ, đã gắn bó với khoa 5 năm nay. Trong thời gian đó thì có tới hơn 3 năm tham gia chống dịch Covid-19. Cũng như các y bác sĩ khác thời gian dành cho gia đình trong năm qua tính ra chỉ khoảng 1,2 tháng còn lại đều ăn, ngủ nghỉ tại viện để tập trung cứu chữa. Có thời điểm anh làm việc liên tục 36 tiếng đến quên ăn, quên mệt nhọc để chạy đua cứu sống từng sinh mệnh người bệnh.
"Tôi tham gia chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên, đa số điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tôi trải qua nhiều đợt dịch khác nhau và qua thời kỳ đỉnh dịch cam go nhất như ở TP.HCM hay sau Tết Nguyên đán 2022 nên có nhiều kỷ niệm, cảm xúc khác nhau. Đến giờ có thể xem Covid-19 như một bệnh lý bình thường tôi cũng dần trở về với cuộc sống, công việc của một bác sĩ", bác sĩ Phúc chia sẻ.
Nhớ lại đợt cùng đội ngũ y tế lên đường tham gia chống dịch tại TP.HCM hồi tháng 8,9/2021 bác sĩ Phúc không bao giờ quên. Lúc đó tại đây đang rất căng thẳng, tỉ lệ tử vong rất cao. Ngay thời điểm vào Trung tâm hồi sức Covid-19 Bệnh viện dã chiến số 13 anh từng rất sốc khi số lượng bệnh nhân đông. Khi ấy, môi trường làm việc như công xưởng rất nóng, khó chịu, bức bối, lượng bệnh nhân nặng nằm la liệt. Có thời điểm số bệnh nhân phải thở máy, ngoài ra nhiều bệnh nhân thở oxy dòng cao, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo)… tỉ lệ tử vong rất đáng lo ngại.
"Khi ấy chúng tôi cùng các nhân viên y tế dồn sức cứu chữa cho người bệnh. Rất nhiều câu chuyện mà có lẽ cả cuộc đời tôi không thể nào quên được. Có những bệnh nhân nặng cả gia đình 6 người thì chỉ có duy nhất 2 cháu nhỏ ở khu cách ly riêng còn lại đều phải thở máy. Có cặp vợ chồng cao tuổi thở máy nằm cạnh nhau. Chúng tôi rất đau xót cho những bệnh nhân nặng lúc bấy giờ. Mặc dù các nhân viên y tế rất cố gắng, tuy nhiên trong thời kỳ đại dịch rất khó khăn.
Chúng tôi cố gắng cứu càng nhiều người càng tốt nhưng với số lượng lớn như vậy thực sự rất khó để làm hết được mọi thứ. Tôi và đồng nghiệp đã rất lo lắng khi bệnh nhân ngừng tim vào khoảng 12h đêm, chúng tôi liên tục ép tim 45 phút. Sau bệnh nhân hồi sinh chúng tôi đã rất vui mừng, xúc động. Có những bệnh nhân nặng chạy ECMO cấp cứu 4-5 tiếng đồng hồ bác sĩ đứng túc trực bên cạnh cấp cứu gần như không ra ngoài, khi bệnh nhân ổn định hơn mới yên tâm bàn giao cho bác sĩ trực", bác sĩ Phúc nhớ lại.
Bác sĩ Phúc cho hay, trải qua những ngày tháng cam go ấy cho tới nay có thể xem Covid-19 là bệnh lý thông thường. Đây là nỗ lực vào cuộc từ Chính phủ cho tới các cấp Bộ, ngành cùng lực lượng nhân viên y bác sĩ trên khắp cả nước. Tỉ lệ tiêm phũ vaccine rất cao, hạn chế những ca Covid-19 nặng.
"Có rất nhiều bệnh nhân thở máy đã khỏi hiện vẫn giữ liên lạc với chúng tôi. Họ vẫn kiểm tra sức khoẻ định kỳ và nhờ sự tư vấn của bác sĩ. Có nhiều bệnh nhân gửi những lời cảm ơn, những món quà nhỏ đầy ý nghĩa ấy khiến chúng tôi không khỏi xúc động", bác sĩ Phúc tâm sự.
Tết Quý Mão 2023 – Tết tình thân của những nhân viên y tế
Chia sẻ về Tết Nguyên đán năm nay, bác sĩ Phúc cũng như các y bác sĩ khác cho biết, công việc sẽ vẫn tiếp diễn như những ngày thường. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi khiến ai nấy đều thoải mái, vơi đi áp lực và mọi người cùng đón Tết vui vẻ.
"Công việc của bác sĩ cứ nghỉ càng dài lịch trực càng dày và căng. Mỗi năm đến Tết chúng tôi cố gắng phân công lịch trực để mỗi người có được thời gian bên gia đình, ưu tiên những người ở xa được về thăm quê, thăm gia đình để có cái Tết đầy đủ, ấm áp", bác sĩ Phúc nói.
Gắn bó với khoa Hồi sức tích cực nữ điều dưỡng đến nay gần 10 năm, nữ điều dưỡng Phan Thị Hoà (34 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, thời điểm dịch căng thẳng có lúc chị cùng đồng nghiệp ở viện điều trị 2,3 tháng mới được trở về bên gia đình.
"Ai cũng háo hức được đón Tết trọn vẹn bên gia đình nhưng đã làm nghề y chúng tôi luôn xác định mục tiêu cứu chữa người bệnh đặt lên hàng đầu. Cứu chữa được cho mọi người được khoẻ mạnh mình lấy đó làm niềm vui, động lực. Cũng may mắn gia đình, chồng tôi luôn ở bên ủng hộ, chia sẻ với công việc của mình để chúng tôi chuyên tâm hơn.
Sau dịch Covid-19 vừa qua, tôi cảm thấy có thời gian cho gia đình nhiều hơn, tuy nhiên công việc vẫn rất nhiều. Ngoài điều trị cho bệnh nhân Covid-19 chúng tôi tập trung cứu chữa cho bệnh nhân sốt xuất huyết, dịch cúm nặng", chị Hoà bày tỏ.
Hai năm qua, bác sĩ Lê Văn Thiệu (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chưa cómột cái Tết trọn vẹn cùng gia đình do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Thiệu chia sẻ: "Trong không khí tưng bừng chào đón năm mới nhìn lại 1 năm cũ đã đi. Có thể nói thời gian trôi qua khá nhanh kể từ khi có Covid-19, làm ngành y thì Tết năm nào cũng phải trực nhưng trái lại với năm ngoái là trực cả Tết thì trong trạng thái bình thường chúng tôi chỉ trực 1 đến 2 buổi trong dịp Tết này. Tuy nhiên điều này tốt hơn rất nhiều so với việc ăn Tết hoàn toàn ở viện".
Nam bác sĩ 34 tuổi chia sẻ, anh gặp lại khá nhiều người bệnh từng điều trị khỏi Covid-19 và mắc lạibệnh lý khác như viêm phổi, sốt xuất huyết.... "Có bệnh nhân khi gặp lại vẫn nhớ như in giọng nói, ánh mắt bác sĩ dù nhiều trường hợp chưa từng nhìn rõ mặt và họ cũng vô cùng nhớ và biết ơn và kể tên từng điều dưỡng đã từng trực tiếp chăm sóc cho mình.
Năm mới tôi hy vọng tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như các dịch bệnh khác như cúm A,B, sốt xuất huyết và các tình hình dịch khác đều được kiểm soát tốt. Chúc toàn thể mọi người sức khỏe, bình an, hanh phúc", bác sĩ Thiệu gửi gắm.
Ông Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ, bệnh viện có khoảng 1.000 nhân viên y tế. Với bệnh viện Tết cũng như ngày thường, phải duy trì đủ nhân lực để đảm bảo điều trị cho bệnh nhân.
"Nhân viên hoàn toàn không có khái niệm ngày đêm, thời gian ngày tháng, ngày nghỉ hay lễ Tết. Cán bộ y tế cũng làm việc liên tục các ngày trong tuần, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình giờ lao động mỗi tuần theo quy định.
Bệnh viện cũng cố gắng phân ca trực để các y bác sĩ có thời gian đón Tết ấm cúng cùng gia đình, người thân. Nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tôi xin chúc các bệnh nhân nằm viện sớm hồi phục, ra viện khoẻ mạnh. Chúc tất cả nhân viên y tế luôn luôn khoẻ mạnh, sang năm mới nhiều thành công hơn", ông Cấp nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.