Bão số 3 – Sơn Tinh gây mưa lớn cho các tỉnh từ Quảng Ninh – Quảng Bình. Ảnh Vũ Thiện.
Mới đây, ngày 16/7, một áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3, tên quốc tế là Son Tinh (Sơn Tinh). Cơn bão này đã đổ bộ đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đêm 18/7 với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên, tên Sơn Tinh được dùng đặt cho bão. Trước đó, cơn bão số 8 năm 2012 cũng được đặt tên là Sơn Tinh. Cơn bão này đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… Nhiều người chết và mất tích. Tháp truyền hình cao 180 m, trị giá hàng hàng chục tỷ đồng ở TP Nam Định bị bão quật đổ.
Nhiều người thắc mắc, tại sao cơ quan khí tượng lại dùng tên Sơn Tinh để đặt cho bão mà không phải Thủy Tinh – một vị thần gây ra bão lụt trong truyền thuyết?
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thủy văn. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Liên quan đến vấn đề này, chiều 19/7, ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho hay, trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan Khí tượng Mỹ thực hiện. Sau đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới yêu cầu các nước thành viên tiến cử tên bão để lựa chọn.
Trên thế giới có 7 vùng bão, trong đó khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất. Mỗi ổ bão khác nhau lại có những quy định khác nhau. Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có 14 nước tham gia Ủy ban Bão của khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Tôi có tham gia từ đầu việc đóng góp tên bão, chúng tôi đề cử 20 đến 25 tên khác nhau. Trước khi gửi danh sách tên đề xuất, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ học.
Viện Ngôn ngữ Việt Nam thẩm định và khẳng định đó là những cái tên thuần túy Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi đề xuất cả một cặp tên Sơn Tinh – Thủy Tinh, một vị thần gây ra bão lụt, một vị thần chống chọi lại bão lụt”, ông Hải nói.
Chia sẻ vì sao tên Sơn Tinh được chọn mà tên Thủy Tinh lại không, ông Hải phân tích: “Khi đề xuất tên những cơn bão thì theo quy định, các nước thành viên phải đọc rõ cách phát âm và giải thích ý nghĩa của những cái tên đó.
Tuy nhiên, cách phát âm Thủy Tinh trong tiếng nước bạn là một từ gây cười và thậm chí gây hiểu nhầm trên các khía cạnh văn hóa. Vì thế, Ủy ban bão của khu vực chỉ chọn 10 tên do chúng ta đề cử, trong đó có: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco”.
Ông Hải cũng cho biết thêm, có một vài trường hợp, điển hình là bão Saomai, Chanchu gây thiệt hại khốc liệt. Nhiều nước thành viên đề xuất phải lãng quên nó đi nên được Ủy ban bão loại khỏi danh sách.
“Đối với tên bão Sơn Tinh lần đầu tiên xuất hiện trong mùa bão 2012, khi đó dư luận có ý kiến đây là tên vị phúc thần, đặt tên bão là không phù hợp. Khi đó, Việt Nam cũng có đề xuất sẽ rút tên này, nhưng từ đó đến nay, Ủy ban bão khu vực chưa đưa ra việc xem xét chọn lại danh sách tên bão mới, nên chưa thể rút ngay được”, ông Hải cho hay.
Mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến nước lũ dâng cao, gây ngập lụt nhiều nơi ở Quảng Ninh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.