Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Đường trong lịch sử Trung Hoa. Sinh thời, ông nổi tiếng là một vị minh quân và cũng là người đã mở ra thời kỳ thịnh trị của vương triều này.
Thế nhưng để có thể ngồi lên ngai vị Hoàng đế, Lý Thế Dân đã từng phát động "Sự biến Huyền Vũ môn", giết huynh sát đệ, ép cha ruột nhường ngôi. Cho tới ngày nay, đây vẫn là một trong những vết đen khó gột rửa trong cuộc đời của vị Hoàng đế nổi tiếng ấy.
Cũng để tránh con cái đi vào vết xe đổ của mình, Lý Thế Dân năm xưa luôn vô cùng nghiêm khắc trong việc nuôi dạy các hoàng tử, đồng thời lại càng hết sức cẩn thận trong việc lựa chọn người kế thừa.
Thế nhưng điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, cơ nghiệp mà ông cả đời gây dựng sau cùng lại truyền tới tay của một người con trai bị cho là không có gì nổi bật. Đó chính là Lý Trị, tức Đường Cao Tông sau này.
Liệu rằng lý do nào đã khiến Lý Thế Dân chọn Lý Trị trở thành người kế vị?
Những "ứng cử viên" sáng giá trong công cuộc tranh đoạt Hoàng vị thời Lý Thế Dân
Sinh thời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân từng có tới 14 người con trai. Thế nhưng để bàn tới việc kế vị, "ứng cử viên" cho ngai vàng của ông chỉ có 3 người con trưởng do Hoàng hậu sinh hạ: Lý Thừa Càn, Lý Thái và Lý Trị.
Theo lẽ thường, Lý Thừa Càn là con trưởng lớn nhất nên sẽ được danh chính ngôn thuận kế thừa ngai vị.
Thế nhưng Lý Thế Dân còn sủng ái một người con trai khác cũng thuộc dòng trưởng. Đó là Lý Thái – vị Hoàng tử được cho là sở hữu tính cách vô cùng giống phụ hoàng.
Năm xưa, Hoàng đế thường xuyên để Lý Thái tham gia những cuộc luận đàm với bề tôi về quốc gia đại sự. Vì vậy địa vị của người con này trong triều cũng tương đối vững vàng.
Nếu so sánh với hai người anh trai cùng mẹ nói trên, Lý Trị có thể coi là vô cùng mờ nhạt. Chẳng những chịu thiệt thòi về tuổi tác vì sinh sau đẻ muộn, ông còn bị cho là không sở hữu tài năng xuất chúng, cũng không được vua cha quá mức sủng ái.
Chưa dừng lại ở đó, trong số những người con thứ của Lý Thế Dân cũng có một số nhân vật tương đối xuất sắc.
Tiêu biểu có thể kể đến Lý Khác – vị Hoàng tử sở hữu tài hoa xuất chúng, võ nghệ siêu quần, rất được quần thần tán thưởng.
Thế nhưng vì mang thân phận thuộc dòng thứ, lại không được vua cha đặc biệt sủng ái, cho nên Lý Khác cũng không có phần trong công cuộc tranh đoạt quyền kế vị.
Nguyên nhân khiến Lý Thế Dân lựa chọn truyền ngôi cho Lý Trị
Năm xưa để có được ngai vàng, Lý Thế Dân đã từng giết chết hai người anh em ruột thịt và ép cha ruột nhường ngôi cho mình.
Tuy nhiên theo Qulishi, sự kiện "nồi xương xáo thịt" nói trên thực chất cũng khiến ông vô cùng áy náy. Vì vậy vị Hoàng đế ấy chưa bao giờ mong muốn các con đi vào vết xe đổ của mình.
Cũng bởi vậy mà kể từ sau khi phong con trưởng Lý Thừa Càn làm Thái tử, ông ra sức trợ giúp, từ từ giao lại việc triều chính cho người con này.
Thế nhưng vì Lý Thái cũng có địa vị trong triều, lại được vua cha yêu thương, Thái tử lo sợ rằng người em trai ấy sẽ nối gót cha mà phát động chính biến, đoạt đi ngai vị của mình.
Vì vậy, Lý Thừa Càn đã âm thầm lên kế hoạch soán ngôi, mục tiêu là trước đem ngai vàng đoạt về tay mình, sau đó mới trừ khử đối thủ.
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, âm mưu ấy không có cơ hội trở thành hiện thực. Vua cha sau khi biết được ông mưu đồ soán ngôi đoạt vị liền thẳng tay phế đi ngai vị Thái tử.
Thái tử đã bị phế, Lý Thái cho rằng ngai vị chắc chắn sẽ về tay mình, liền càng lúc càng trở nên ngông cuồng, mở yến tiệc tại tư gia thết đãi trọng thần, thậm chí còn khoác lác rằng mình chắc chắn sẽ lên làm Hoàng đế. Kết quả là các đại thần trong triều đồng loạt dâng tấu xin Lý Thế Dân lập Lý Thái làm Thái tử.
Mặc dù người con này sở hữu tính cách vô cùng giống cha, nhưng Lý Thế Dân lại hết sức bài xích sự ngông cuồng, tự đại đó.
Bởi vậy, ông quyết định thu lại Vương tước của Lý Thái, đồng thời cũng gạt vị Hoàng tử này khỏi danh sách ứng cử viên thừa kế ngai vàng.
Trải qua một loạt các biến cố nói trên, Hoàng tử thuộc dòng trưởng của Lý Thế Dân lúc đó chỉ còn lại duy nhất một người. Đó không ai khác ngoài Lý Trị.
Về phần Lý Trị, mặc dù không quá nổi bật, thế nhưng ông lại sở hữu một ưu điểm mà vua cha luôn tìm kiếm – không bị mờ mắt vì tranh đoạt quyền lợi. Đó là chưa kể Lý Trị lúc sinh thời sở hữu phong thái trầm ổn, lại biết cách đối nhân xử thế.
Cũng bởi vậy nên ông dần được vua cha coi trọng, sau cùng được chọn làm người kế thừa ngai vàng, danh chính ngôn thuận tiếp quản giang sơn nhà Đại Đường, trở thành Đường Cao Tông sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.