Tại sao Trung Quốc giảm mua sắn Việt Nam, tăng mua của Thái Lan dù giá cao hơn?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 15/10/2021 18:24 PM (GMT+7)
Dù Trung Quốc mua trên 90% lượng sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam nhưng sản phẩm sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan.
Bình luận 0

Trung Quốc vẫn mua đều, giá sắn khởi sắc

Mặc dù Trung Quốc nghỉ lễ quốc khánh (từ ngày 01-07/10/2021) nhưng lượng tinh bột sắn giao qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) vẫn ổn định nên giá sắn khởi sắc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay các nhà máy chế biến sắn từ miền Trung trở vào miền Nam đã bắt đầu chạy máy vụ mới 2021/22. Một số nhà máy khu vực phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra) cũng chạy máy niên vụ mới trong nửa cuối tháng 10/2021. 

 Do hoạt động vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh vào TP.Hồ Chí Minh đã dễ dàng hơn nên nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn của các nhà máy thực phẩm phía Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại. 

Trong khi đó, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2020/21 của Việt Nam ở mức rất thấp. Các đơn vị còn hàng ưu tiên cung cấp cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi vì giá nội địa có tín hiệu tăng mạnh. 

Do nguồn cung khan hiếm nên giá sắn lát khô của Việt Nam đi Trung Quốc cũng tăng nhẹ, ở mức 275 USD/tấn, trong khi đó giá tinh bột sắn trong khoảng 475 485 USD/tấn, FOB cảng TP. Hồ Chí Minh.

Tại sao Trung Quốc giảm mua sắn Việt Nam, tăng mua của Thái Lan dù giá cao hơn? - Ảnh 1.

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,5% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,22 triệu tấn, trị giá 567,79 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong ảnh: Nông dân Kon Tum thu hoạch sắn. Ảnh: Báo Kon Tum.

Trung Quốc mua 95,5% lượng tinh bột sắn của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 1,28 triệu tấn, trị giá 596,31 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,5% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,22 triệu tấn, trị giá 567,79 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt 683.530 tấn, trị giá 175,41 triệu USD, tăng 48,2% về lượng và tăng 65,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

 Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. 

Xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 91,1% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 615.990 tấn, trị giá 153,04 triệu USD, tăng 60,9% về lượng và tăng 81,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 10,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc. 

Cạnh tranh mạnh với Thái Lan tại Trung Quốc, Việt Nam muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sắn

Ngoài nhập một lượng lớn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu sắn lát của Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2021 với 994,7 triệu USD, tăng tới 125,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 88,5% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 79,1% của 8 tháng đầu năm 2020. 

Với tinh bột sắn, Thái Lan cũng là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021, với 1,61 triệu tấn, trị giá 778,49 triệu USD, tăng 58,8% về lượng và tăng 82,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khi đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2021 chiếm 15,5%, giảm mạnh so với mức 40,2% của cùng kỳ năm 2020.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, tăng nhập khẩu từ Thái Lan dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. 

Từ thực tế này, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NNPTNT tiếp tục có văn bản tới Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc đăng ký bã sắn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Đáng chú ý, theo Hiệp định EVFTA, tinh bột sắn là sản phẩm được cấp hạn ngạch miễn thuế quan (0%) đứng thứ hai sau lúa gạo với số lượng 30.000 tấn/năm (thuế suất nhập khẩu tinh bột sắn vào EU ngoài hạn ngạch là 166 EUR/tấn; sắn củ tươi, sắn đông lạnh cắt lát hoặc không ngoài hạn ngạch tính thuế là 9,5 EUR/kg) trong khi ngành sắn Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các cơ hội này.

Từ thực tế đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước, các khu vực có ký FTA với Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản,... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem