Tài xế không bằng lái gây tai nạn chết người, chủ xe có chịu trách nhiệm liên đới?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 18/10/2020 14:13 PM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ tai nạn gây hậu quả chết người do tài xế Nguyễn Quang Hưng (Sn 2002) gây ra tại Thị xã Sơn Tây cần xem xét nhiều góc độ, kể cả người giao xe cho tài xế không đủ điều kiện điều khiển phương tiện
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, vừa qua xe ô tô Mazda CX5 BKS 30E-855.18 đang lưu thông tại khu vực Chùa Thông (thị xã Sơn Tây – TP Hà Nội) đi tốc độ cao đã đâm vào 1 người qua đường khiến người này tử vong.

Xử lý thế nào tài xế sinh năm 2002 say rượu, không bằng lái gây tai nạn chết người ở Thị xã Sơn Tây? - Ảnh 1.

Hình ảnh tài xế sinh năm 2002 say rượu, không bằng lái gây tai nạn chết người ở Thị xã Sơn Tây.

Lái xe ô tô BKS 30E-885.18 được xác định là Nguyễn Quang Hưng (sinh năm 2002, trú tại Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội).

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, Hưng có biểu hiện không được tỉnh táo.

Theo cơ quan chức năng, tài xế Nguyễn Quang Hưng có nồng độ cồn là 82,2 mg/100ml máu, chưa có giấy phép lái xe.

Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.

Đối mặt hình phạt từ từ 3 - 10 năm

Liên quan đến việc này, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, hành vi trên của Nguyễn Quang Hưng đã trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên cần xác định thời gian ngày tháng năm sinh của Hưng có đủ 18 tuổi hay không để từ đó có cơ sở xử lý vụ việc.

Xử lý thế nào tài xế sinh năm 2002 say rượu, không bằng lái gây tai nạn chết người ở Thị xã Sơn Tây? - Ảnh 2.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP HCM.

"Hành vi vi phạm của Hưng được Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ. Điều kiện tham gia giao thông của người lái xe quy định tại chương V, điều 58 và 60 của bộ luật này.

Nếu chưa có giấy phép lái xe mà tham gia giao thông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn gây ra chết người thì căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra có thể bị xem xét truy cứu theo điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017", luật sư Tuấn nói.

Cụ thể, điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau: Đăng ký xe; giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Xử lý thế nào tài xế sinh năm 2002 say rượu, không bằng lái gây tai nạn chết người ở Thị xã Sơn Tây? - Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn tại Sơn Tây.

Theo vị luật sư, căn cứ theo quy định của điều 260 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì tài xế Nguyễn Quang Hưng phạm tội trong trường hợp không có GPLX, theo điểm b, a khoản 2 quy định nêu trên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tùy thuộc vào tình tiết, mức độ nguy hiểm của hành vi.

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Trách nhiệm người cho mượn xe

Cũng theo ông Tuấn, trường hợp lái xe này chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng chịu trách nhiệm, việc này được quy định rõ theo điều 264, Bộ luật Hình sự 2015.

"Người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo các điều khoản trên. Mức độ truy cứu thế nào phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan điều tra", ông Tuấn nói.

1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem