Mới đây, Hội đồng Anh (British Council) tại Việt Nam đăng thông báo về việc tạm hoãn tất cả các kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này từ ngày 10/11. Hội đồng Anh cho biết: "Thời điểm các kỳ thi được tổ chức trở lại sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của Bộ GDĐT. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Bộ để có được các phê duyệt cần thiết trong thời gian sớm nhất có thể".
Không chỉ Hội đồng Anh, IDP Việt Nam cũng chính thức thông báo về việc tạm hoãn tổ chức kỳ thi IELTS.
Ngay khi thông tin về việc Hội đồng Anh và IDP tạm hoãn thi cấp chứng chỉ IELTS, nhiều thí sinh và phụ huynh đã hoảng hốt vì quyền lợi của con em mình sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng. "Con tôi thậm chí phải tinh giản nhiều môn học để dành thời gian luyện thi IELTS với mong muốn sẽ nộp hồ sơ vào trường đại học mong muốn theo phương thức xét tuyển kết hợp. Việc hoãn thi IELTS không thời hạn như vậy khiến cả con và bố mẹ hoang mang, không biết bao giờ mới có thể thi được?", chị Hà Thu Nga, quận Cầu Giấy chia sẻ.
Chị Nguyễn Liên ở Bắc Ninh cũng sốt ruột vì theo dự kiến con chị sẽ thi IELTS vào tháng 12 ở IDP. "Tôi chỉ mong việc tạm hoãn này sớm giải quyết. Con tôi đang ảnh hưởng trực tiếp vì hầu như con nghỉ học các môn tốt nghiệp khác để tập trung cho Tiếng Anh kỳ thi này. Không chỉ có tôi mà còn nhiều phụ huynh mong Bộ sớm giải quyết để cho các hội đồng tổ chức thi trở lại".
IELTS là một hệ thống bài kiểm tra về khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trải dài qua cả 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết. Bài thi được đồng điều hành bởi 3 tổ chức ESOL của Đại học Cambridge, Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP của Úc và được triển khai từ năm 1989. Hiện IELTS đang được tin tưởng sử dụng tại hơn 11.000 đơn vị trên toàn thế giới. Có chứng chỉ IELTS được ví như Hộ chiếu công dân toàn cầu.
Tại Việt Nam, hoạt động ôn luyện, thi và sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ làm một phương thức xét tuyển đang nở rộ những năm gần đây. Vì vậy, thông tin Bộ GDĐT tạm hoãn thi IELTS đang khiến nhiều người lo lắng.
Ủng hộ Thông tư của Bộ GDĐT?
Thầy Mai Văn Túc, giáo viên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội cho rằng: "Nên khai tử tình trạng học chay, học vẹt, học thuộc lòng các dạng bài tập để đối phó với thi cử, thành tích huy chương, "luyện gà chọi"... Rất cần thêm nhiều thông tư mới từ Bộ GDĐT tương tự như thế này trong đó có thông tư cấm xét tuyển đại học bằng điểm học bạ".
Thầy giáo tiếng Anh Nguyễn Hà cũng bày tỏ IELTS sẽ là 1 công cụ đánh giá hiệu quả nếu được dạy đúng phương pháp, học đúng phương pháp, và sử dụng đúng mục đích (chứ không bị thương mại hóa như hiện nay). Với cách luyện thi IELTS hiện nay (ví dụ, học viết theo bài luận mẫu) thì IELTS không còn là công cụ đánh giá chính xác năng lực Tiếng Anh học thuật của thí sinh.
"Bản chất IELTS là 1 công cụ đánh giá Tiếng Anh học thuật. Do vậy, khi luyện thi IELTS phải dạy Tiếng Anh học thuật, thay vì học mẹo, học tủ, học bài văn mẫu. IELTS hầu như không có sự thay đổi và cải tiến về cấu trúc đề thi, loại câu hỏi và kỹ năng, kiến thức Tiếng Anh được đánh giá trong vòng mấy chục năm qua. Phần reading là đáng phản biện nhất. Cách thiết kế các loại câu hỏi không giúp người làm bài cải thiện kỹ năng reading. Dạng câu hỏi Locating Information mang tính đánh đố, và không kiểm tra được kiến thức gì của người học (ngoài khả năng nhớ thông tin). Các câu hỏi Sentence Completion, Summary Completion, Table/Diagram/Flow chart Completion thực chất là 1, có cùng 1 phương pháp làm bài)".
Cô Trần Thu Giang, Giám đốc Trung tâm WINKI ENGLISH, người đã từng đào tạo nhiều khóa học sinh thi IELTS cho biết: Việc Hội đồng Anh hoãn tổ chức thi chỉ là để hoàn tất các thủ tục pháp lý cũng như phục vụ quá trình thanh tra của Bộ GDĐT trong việc tổ chức và cấp chứng chỉ này. Đây là một việc thường xuyên được tiến hành đối với các đơn vị giáo dục trên cả nước để đảm bảo chất lượng dạy và học.
"Việc thanh tra, kiểm tra này chứng tỏ sự quan tâm của Bộ GDĐT đối với bài thi IELTS, đảm bảo việc sử dụng công khai, minh bạch Chứng chỉ này trong quá trình xét tuyển đầu vào và đầu ra đại học. Do vậy, các học sinh đã và đang học để chuẩn bị thi IELTS hãy cứ yên tâm học để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi của mình ngay khi có thông báo mở đăng ký thi trở lại", cô Trần Thu Giang khuyến cáo.
Các đơn vị/tổ chức cần làm gì để tiếp tục tổ chức hoạt động thi, cấp chứng chỉ?
Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết.
- Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Như vậy, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định nêu trên. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GDĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GDĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Thí sinh bị ảnh hưởng bởi quyết định tạm dừng thi IELTS - VTV24
Vui lòng nhập nội dung bình luận.