Tâm sự của cô giáo dạy Văn ở trường giáo dưỡng: "Đã có lúc tôi thật sự bối rối..."
Tâm sự của cô giáo dạy Văn ở trường giáo dưỡng: "Đã có lúc tôi thật sự bối rối..."
Tào Nga
Thứ năm, ngày 14/11/2024 14:49 PM (GMT+7)
Thạc sĩ, Thiếu tá Hoàng Thị Ngọc Xuyến, sinh năm 1984 tại Thanh Hoá. Hiện cô là giáo viên dạy Văn tại Trường Giáo dưỡng số 4, Cục C10, Bộ Công An. "Khi về với ngôi trường này tôi đã có thời gian thật sự bối rối vì những sự khác biệt về đối tượng học sinh", cô chia sẻ.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Xuyến cho biết: "Trong không khí của Ngày Hiến chương các Nhà giáo đang đến gần, tôi cảm thấy rất phấn khởi và năm nay tôi có thêm một niềm vui rất lớn là được tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ GDĐT và Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Đó không chỉ là niềm vui mà còn là động lực rất to lớn để tiếp thêm cho tôi nhiệt huyết, ngọn lửa yêu nghề. Xin chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, các Ban, bộ, ngành đã có những sự ghi nhận, động viên với những người làm công tác giáo dục tại những ngôi trường đặc biệt như trại giáo dưỡng của tôi".
Bước sang năm thứ 20 trong sự nghiệp giáo dục, trải qua nhiều thăng trầm cảm xúc, bây giờ cô Xuyến mới có dịp để chia sẻ về công việc đặc biệt của mình.
Cô Xuyến kể: "Tôi cảm thấy rất yêu công việc của một người giáo viên khi còn nhỏ và dần nuôi dưỡng ước mơ ấy bằng sự cố gắng nỗ lực từng ngày. Năm 21 tuổi, tôi tốt nghiệp trường Sư phạm và trở thành một cô giáo dạy môn Ngữ văn ở một trường THCS. Tuy đi dạy xa nhà gần 30 cây số nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì ở nơi đó tôi đã gặp được những người thầy, người cô, những người đồng nghiệp thật sự yêu thương, giúp đỡ tôi trưởng thành trong công việc và cả cuộc sống. Ngôi trường đầu tiên ấy đã tiếp thêm cho tôi ngọn lửa nhiệt huyết với nghề và lòng say mê với những bài học, những kiến thức hàng ngày tôi truyền thụ cho các cô cậu học trò đáng yêu, chăm học.
Sau 5 năm gắn bó với ngôi trường phổ thông, đến tháng 5/2010, tôi chuyển ngành về công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4. Khi về với ngôi trường này tôi đã có thời gian thật sự bối rối vì những sự khác biệt về đối tượng học sinh. Bởi lẽ trường giáo dưỡng là ngôi trường đặc biệt làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục những trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Những hành vi vi phạm trước khi vào trường của các em khiến ai chưa từng đến với trường giáo dưỡng sẽ nghĩ các em thật đáng trách, đáng ghét như hiếp dâm, cướp của, giết người, gây rối trật tự công cộng...
Thật sự không như những gì tôi nghĩ. Ngày đầu tiên về ngôi trường, tôi ngỡ ngàng về cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở nơi đây và ấn tượng sâu đậm nhất là hình ảnh của những cậu học trò nhỏ bé đang lao động dừng tay lại, hạ mũ cầm xuống tay, cúi chào tôi một cách rất lễ phép. Không ai nghĩ đây là những "tội phạm nhí" đã từng gây ra nhiều hành vi tội lỗi. Thời gian dần trôi đi, gần 15 năm gắn bó với công việc tôi đã thật sự hiểu, càng thêm yêu và tự hào hơn về công việc mà mình đang hàng ngày thực hiện.
Dưới góc nhìn giáo dục, có thể hiểu các thầy các cô ở ngôi trường giáo dưỡng như chúng tôi là đang làm công tác giáo dục lại. Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục là không để có những "sản phẩm giáo dục bị lỗi" nhưng học sinh của chúng tôi là những đứa trẻ đã một thời lầm lỡ, nhiều em bỏ học từ lâu, có những em vào trường đã 16 tuổi nhưng chưa biết chữ, không thể viết được tên của chính mình. Từ một cô giáo đang dạy các học sinh phổ thông chăm ngoan hoặc chỉ ít ỏi những học sinh ngang bướng, nghịch ngợm chuyển sang làm công tác giảng dạy những học sinh đặc biệt tại trường giáo dưỡng, tôi đã thật sự trăn trở làm thế nào để có thể hoàn thành được công việc của mình khi đa phần các em đều không thích học, nhiều em có vấn đề về nhận thức, vấn đề về tâm lý.
Nhưng bằng lòng yêu nghề và đặc biệt là tình yêu thương, chia sẻ dành cho các em tôi đã nhận thấy những việc mình cần phải làm không chỉ là truyền thụ kiến thức, không chỉ đơn thuần là giáo viên mà còn là những người bạn, người đồng hành, luôn lo lắng cho tương lai của các em. Mỗi em học sinh khi vào trường đều có một hoàn cảnh riêng, đa số các em được sinh ra và lớn lên ở những gia đình khiếm khuyết, không có cha, không có mẹ, bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, sống lang thang, hoặc cha mẹ đều đi tù... Các em thiếu thốn tình yêu thương, sự giáo dục, uốn nắn từ gia đình nên lớn lên với những nhận thức lệch lạc rồi trượt dài trong các tệ nạn ma tuý, nghiện game,... rồi sa ngã vào con đường phạm tội.
Tôi thường nói các em như những mầm non chưa kịp vươn chồi đã bị sâu bệnh làm thế nào để lại khỏe khoắn vươn lên. Trong môi trường giáo dưỡng, tình yêu thương là yếu tố quan trọng giúp xây dựng niềm tin. Những người thầy cô như chúng tôi luôn tìm cách thấu hiểu tâm tư của học sinh, từ đó tạo ra mối quan hệ gắn bó. Chúng tôi không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng dẫn các em về cách sống, cách đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Sự đồng cảm này giúp học sinh cảm thấy an toàn và có động lực để thay đổi. Nhiều em vào trường chưa từng biết cầm chổi quét nhà nhưng qua quá trình giáo dục các em biết khép mình vào nếp sống kỷ luật, trật tự, biết làm mọi công việc lao động, giữ vệ sinh nếp sống sạch sẽ.
Thật sự các em học sinh trường giáo dưỡng đáng thương hơn đáng trách, tôi nghĩ nếu các em có được một gia đình trọn vẹn thì các em sẽ không có những sai lầm, tội lỗi như vậy! Chính vì thế, tôi đã luôn dành tình yêu thương, gần gũi, động viên, sẻ chia cho các em. Hạnh phúc nhất với tôi là sau khi các em ra trường đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhiều em đã có gia đình, sống chan hoà, hạnh phúc đã gọi điện chia sẻ với tôi. Những thầy cô giáo tại trường giáo dưỡng như chúng tôi không chỉ là những nhà giáo dục mà còn là những người mang lại hy vọng và ánh sáng cho những tâm hồn lầm lỡ.
Từ nỗi trăn trở đến niềm vui, từ tình yêu thương đến sự kiên nhẫn, chính là những yếu tổ làm nên sức mạnh cho công cuộc giáo dục đầy gian nan nhưng cũng rất cao quý này".
Gia đình luôn đồng hành
Cô Xuyến chia sẻ thêm với PV, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của bản thân thì cô luôn có sự động viên, hỗ trợ và đồng hành của gia đình. Trên mỗi chặng đường của cô luôn có sự chia sẻ từ chồng cũng là người đồng chí cùng công tác tại đơn vị. Hai vợ chồng cùng cơ quan cũng có nhiều thuận lợi để hỗ trợ, cảm thông, thấu hiểu và giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cô Xuyến chia sẻ thêm: "Sắp tới tôi sẽ cố gắng để trau dồi thêm về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác hiện nay, đúng như câu thơ tôi viết cho bản thân mình:
Hai mươi năm rời giảng đường sư phạm
Em chọn cho mình một lối rẽ sang trang.
Dẫu khó khăn, vất vả vẫn sẵn sàng
Tròn nhiệm vụ của người "thầy" đặc biệt..."
Với những cống hiến miệt mài cho giáo dục, cô Xuyến đã được nhận bằng khen "Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thì đua Vì An ninh Tổ quốc giai đoạn 2021 - 2022"; "Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ Bộ Công an năm 2023"; "Đã có thành tích trong Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi các trường Giáo dưỡng năm 2022" và đạt giải trong cuộc thi viết "Tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy" năm 2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.