Tâm sự của một nhà thơ phải nằm để sáng tác

Chủ nhật, ngày 27/03/2011 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ai đó bảo, cuộc đời còn có ý nghĩa gì khi vụ tai nạn bom mìn khiến tôi một hình hài dị tật. Vậy mà tôi đã đứng lên, sống đàng hoàng bằng chính năng khiếu văn chương và cả nghị lực phi thường của mình…
Bình luận 0

Tôi sinh năm 1951 trong một gia đình ngư dân nghèo có tới 11 anh chị em. Ngày học phổ thông, tôi có tiếng học giỏi. Tương lai tôi sẽ ngời sáng nếu không có một ngày, mảnh bom tai ác găm vào chân. Nhà nghèo, chẳng có tiền chữa trị kịp thời nên vết thương nhiễm trùng rồi sinh ra bệnh khớp và biến chứng, dẫn đến cột sống bị liệt. Khi ấy, tuổi tôi vừa tròn đôi mươi...

img

Nhà thơ Trương Quang Thứ.

Tôi sống quay quắt với đôi chân tật nguyền cùng tấm lưng không thể cúi xuống. Nằm liệt giường, cũng có khi bi quan, chán chường. Những lúc ấy, hình ảnh nhân vật Paven trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" cùng những "tuyên ngôn" của anh lại ám ảnh tôi. Vốn sẵn có năng khiếu văn chương từ nhỏ, tôi đã mạnh dạn cầm bút...

Trong một lần chữa bệnh ở Bệnh viện Bắc Giang, tình cờ tôi quen một cô gái người Kinh Bắc lên thăm người nhà bị bệnh. Cũng vì mến mộ thơ và đồng cảm với tôi mà cô gái ấy đã bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình để chấp nhận cùng tôi nên duyên vợ chồng.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên hai vợ chồng rất vất vả. Vợ đi làm hợp tác xã nông nghiệp cả ngày mới về, tôi ở nhà chăm bón nương vườn. Do không cúi được nên tôi phải chế ra những cái gàu múc nước, cái cán cuốc dài để thuận tiện cho việc cuốc xới, tưới từng luống rau. Ngày làm vườn, đêm sáng tác văn chương. Hễ có thời gian là tôi viết.

Dù vất vả, thiếu thốn trăm bề nhưng vợ chồng tôi vẫn động viên nhau làm ăn để nuôi con khôn lớn. Còn tôi đã coi văn chương là cái nghiệp nên tôi xem đó là trách nhiệm với nghề, với độc giả.

Tôi được gia nhập Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An từ năm 1992. Từ khi vào Hội, tôi có thêm nhiều cơ hội trao đổi nghiệp bút và được Hội đầu tư thêm kinh phí để sáng tác, xuất bản những tác phẩm có quy mô. Không thể ngồi được nên tôi phải nằm và đứng để sáng tác thơ, viết báo. Lúc đầu rất khó khăn nhưng lâu dần rồi cũng quen.

Chiếc rương xi măng đựng thóc cũ kỹ ở căn nhà cũ là nơi tôi thường đứng viết nên tôi có biệt danh là "nhà thơ đứng". Hơn 30 năm cầm bút, tôi đã có được những thành quả nhất định với 3 tập thơ in riêng, 3 tập in chung và hàng trăm bài đăng báo cùng một số giải thưởng văn học của tỉnh Nghệ An và vài tờ báo khác.

Đã qua tuổi lục tuần, niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là tất cả ba người con trai đều đã đỗ đạt và có công ăn việc làm ổn định. Nếu không có văn chương người tật nguyền như tôi chết lâu rồi. Văn chương đã cứu rỗi đời tôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem