Tâm sự của nhà báo phản ứng gay gắt "Bên thắng cuộc" (2)

Thứ ba, ngày 15/01/2013 13:57 PM (GMT+7)
Dân Việt - Sau 30.4, Lưu Đình Triều được nhập học khoa báo chí trường Tuyên huấn Trung ương Đảng, sau đó anh về công tác tại báo Tuổi Trẻ TP.HCM.
Bình luận 0

Phần 1. Đứa con bên kia chiến tuyến

Phần 2: Bước rẽ

Anh từng trải qua chức vụ: trưởng ban thanh niên, trưởng ban văn hóa - văn nghệ, tổng thư ký tòa soạn, anh nói, môi trường "không kỳ thị" ở báo Tuổi Trẻ đã chắp cánh cho anh hòa nhập.

Trong thời điểm xã hội còn kỳ thị với những người tham gia quân đội Sài Gòn, tại sao anh lại chọn nghề báo, một công việc được xem là sứ mệnh chính trị?

clip_image004

Hai ba con trong những ngày đầu sống bên nhau

- Ngay sau khi học cải tạo xong, ba tôi và tôi đã có một cuộc trò chuyện thẳng thắn. Ông hỏi tôi thích làm nghề gì, tôi trả lời: làm báo! Vì sao? "Vì từ nhỏ đến lớn con có một niềm say mê riêng đối với báo chí. Con đã từng đi xếp báo cho một sạp báo gần nhà chỉ để đổi lấy việc là được đọc nhiều loại báo miễn phí. Đi học, con cũng say mê viết báo tường, giai phẩm của trường. Con định ghi danh vào một trường báo chí của Sài Gòn, nhưng rồi không có đủ tiền đóng học phí nên phải chuyển qua học Luật. Ngay cả khi đi lính, con vẫn hay viết bài, làm thơ gửi các báo, tạp chí và cũng đôi lần được đăng…".

Không ngờ ba tôi phán một câu lạnh lùng: "Con không đủ tiêu chuẩn để đi làm báo. Là sĩ quan Sài Gòn con ăn chơi nhiều (oan cho tôi quá!) giờ phải đi làm công nhân để cải tạo thêm lối sống của mình…

Vài năm sau, khi đang làm ở Xí nghiệp Sắt tráng men - ở quận 8 TP.HCM, tình cờ đọc báo thấy tuyển sinh lớp Đại học báo chí, niềm say mê cũ trong tôi trổi dậy. Nhất là khi xem qua điều kiện dự thi, tôi thấy mình có đủ các tiêu chuẩn cơ bản là tốt nghiệp trung học phổ thông, có ít nhất 3 năm biên chế, là đoàn viên ưu tú (Trong thời gian làm nhà nước tôi nỗ lực tối đa trong công việc và phong trào nên đã được kết nạp Đoàn vào năm 1978). Lúc ấy tình cờ ba tôi lại dẫn một đoàn nhà báo nước ngoài vào công tác, tôi đến gặp và thưa với ông ý định của mình. Khi ba tôi nhắc lại ý trước đây là tôi không đủ tiêu chuẩn, tôi đưa tờ báo có đăng việc tuyển sinh ra và nói rằng con đã đủ chuẩn thì ông có phần hạ giọng: tùy con, cứ nộp hồ sơ thử xem sao.

Tôi nộp hồ sơ, đi thi và trúng tuyển nhờ sự… ngây thơ về chính trị của mình lúc ấy. Dù dư điểm đậu nhưng tôi vẫn không được nhập học liền mà chờ ý kiến của lãnh đạo Ban tuyên huấn, trong đó có kèm cả lời bảo lãnh của cha tôi: Đồng ý cho học nếu đủ điểm đậu!.

Anh gặp khó khăn gì trong quá trình học và sau đó gắn với nghề báo cho đến hôm nay?

Ta đến muộn đừng lo Người vẫn đợi
Với Bác Hồ, Người thương nhất kẻ đi sau

Đó là hai câu thơ của Hải Như mà tôi đã nắn nót ghi lại và dán trên bàn học ngay kế giường ngủ của tôi trong trường. Nó đã động viên tôi rất nhiều trong những năm đầu học tập. Chỉ cần một tuần sống và học trong một ngôi trường Đảng tôi đã nhận ra sự bất lợi của mình như một lời nhận xét của bạn học mà tình cờ tôi biết được. "Một sĩ quan ngụy mà vào được trường này chắc do dựa vào vị thế của ông bố thôi". Nào ai biết chuyện tôi vào trường là một cuộc "đấu tranh" nội tâm mà tôi nghĩ rằng cũng rất cay đắng giữa một ông cha thương yêu con và một cán bộ cách mạng lâu năm muốn giữ sự nghiêm minh trong điều hành.

Tôi không thể thanh minh mà chỉ biết im lặng học và đọc thật nhiều để rồi kết quả học tập là một lời bào chữa hiệu nghiệm nhất. Theo thời gian, tôi cũng có được những người bạn học vừa chia sẻ vừa động viên những nỗ lực hòa nhập của tôi. Suốt gần 5 năm học tôi dần "bình thường hóa" được vai trò học viên của mình. Chỉ có một cú sốc cuối năm thứ hai: tôi được một số bạn đề cử vào BCH chi đoàn. Một cuộc họp sôi nổi diễn ra, mổ xẻ gốc gác của tôi và cho rằng một sĩ quan ngụy không thể nào lãnh đạo những người từng là chiến sĩ quân đội nhân dân. Giữa cuộc họp, tôi không chịu đựng được nữa, phải xin phép đi ra ngoài.

Trời mùa đông Hà Nội lạnh lẽo, tôi cứ bước đi mà không biết đi đâu và nước mắt cứ lặng lẽ chảy ra. Đến khuya tôi quay về trường và sửng sốt khi thấy một đám đông- trong đó có bí thư chi bộ kiêm chi trưởng của lớp đang đứng trước cổng trường để chờ… an ủi tôi. Lòng tôi ấm lại. Niềm tin vào sự lựa chọn mới trong tôi càng lóe sáng.

clip_image005

Cùng các đồng nghiệp Tuổi Trẻ ra công tác tại Trường Sa giữa mùa giông bão tháng 7.1994

Ra trường, tôi may mắn được sinh hoạt và làm việc cùng tập thểâ báo Tuổi Trẻ. Nơi mà gần như không có sự phân biệt "kỳ thị" về gốc gác. Tôi thoải mái hành nghề như bao đồng nghiệp. Tất nhiên, ở những năm 80 định kiến về người chế độ cũ vẫn còn nóng bỏng, nên thỉnh thoảng một hai sai sót trong nghiệp vụ của tôi vẫn bị đem soi rọi cùng cái "quá khứ đen" . Được cái, lần nào cũng có những người bạn - có người từng hoạt động trong chiến khu, đứng cạnh, chia sẻ, động viên tôi như đêm nào giữa trời đông Hà Nội. Do công việc, tôi được đi nhiều nơi, từ Côn Đảo đến Điện Biên Phủ, Tân Trào, Trường Sa…

Tôi cũng được tiếp xúc gặp gỡ nhiều người, từ anh bộ đội trên chiến trường biên giới phía Bắc cho đến anh TNXP ở địa bàn Tây Nguyên… Chính những câu chuyện nghe được từ các địa danh lịch sử, từ những người lao động, chiến sĩ bình thường đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều trong vai trò một nhà báo.

35 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh nghĩ gì về "hòa hợp dân tộc"?

- Mới đây, ngày 20.4.2010, Bộ Quốc phòng và Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học "Đại thắng mùa xuân 1975- sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh". Trong nhận thức của tôi, sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc có khởi nguồn từ sự hòa hợp dân tộc. Đây cũng là một truyền thống lâu đời của Việt Nam. Sau ngày giải phóng không lâu, chính nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã đề cập đến vấn đề này, khi nói "Những định kiến rồi sẽ phải qua, nếu không thì cộng đồng dân tộc làm sao liền lạc, mạnh mẽ được" (Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 31-5-2009).

35 năm đã trôi qua! Tôi tin rằng cái hố ngăn cách giữa những người Việt một thời đứng ở hai bờ chiến tuyến đã bị san lấp khá lâu rồi. Ở thế kỷ 21 này, "hòa hợp dân tộc" mang một thông điệp mới: người dân Việt, trong lẫn ngoài nước cùng đồng lòng chung tay, góp sức để xây dựng một đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem