|
Cù Huy Hậu (giữa) đến trình diện tại Công an huyện Thuỷ Nguyên. |
Những cuộc chạy trốn
"Hàng nóng" là thứ "đồ chơi" thời thượng của đám giang hồ đất Cảng. Bất cứ tay anh chị nào bước chân vào "sân khấu cuộc đời" đầy bất trắc, đen tối đều lận lưng thứ vũ khí có thể lấy mạng người trong chớp mắt ấy. Làng nhàng thì chơi hoa cà hoa cải, còn đã là "dân chơi chuyên nghiệp" thì phải là "chó lửa" xịn, ấy là những khẩu súng quân dụng đen ngòm.
Cù Huy Hậu, sinh năm 1979, ở Thuỷ Nguyên cũng vậy. Bước chân vào thế giới giang hồ, việc đầu tiên của Hậu là kiếm hàng nóng lận lưng. Bản tính ngang tàng, thích phiêu bạt nên khi đã chán xưng bá ở quê nhà, Hậu kéo quân ra Móng Cái. Đất này là nơi bành trướng của giang hồ đất Cảng.
Có "hàng nóng" giắt lưng, Hậu chẳng ngán bất cứ ai. Và, chỉ trong một thời gian ngắn, sau một số phi vụ "lấy số", thương hiệu Hậu "liều" đã lừng danh vùng đất biên viễn đó. Thế nhưng, lẽ đời, khi trụ vững ở nơi sóng to gió lớn thì lại sa chân ở… vũng trâu đằm.
Đầu năm 2009, Hậu về quê dự đám cưới của đứa em họ. Sau một trận rượu tơi bời khói lửa ở đám cưới, thấy chưa đủ đô, Hậu cùng đám chiến hữu kéo nhau ra thị trấn uống tiếp rồi quậy phá tưng bừng. Trong cơn cuồng loạn ấy, xích mích đã phát sinh giữa nhóm của Hậu với ông chủ quán bia. Không để mất mặt với đám chiến hữu, ngay lập tức Hậu lôi "chó lửa" ra hành xử.
Sợ chuyện chẳng lành xảy ra, đám bạn vội vàng xúm vào khuyên can, giằng khẩu súng từ tay Hậu. Giằng co, súng nổ. Viên đạn đi một đường thẳng băng, xuyên thủng mái nhà. Ông chủ quán mặt cắt không còn giọt máu. Thấy có tiếng nổ, dân xung quanh và công an ập đến. Lúc này, tỉnh rượu, cất vội khẩu súng, Hậu tìm cách tháo thân.
Hậu chạy trốn ra Móng Cái. Biết công an đang truy lùng mình ráo riết nên chẳng dám ở trong đất liền, theo những thuyền đánh cá, Hậu lênh đênh ngoài biển. Đó là những tháng ngày vô cùng khổ cực. Thế giới của kẻ chạy trốn ấy là mấy mét vuông trên khoang thuyền chật chội.
Trong bản "danh sách đen" của Công an Hải Phòng, có nhiều đối tượng đã trốn nã cả mấy chục năm. Đặc biệt, có người đã trốn chạy ra cả nước ngoài. Cách đây hơn chục năm, làm ăn bết bát, Nguyễn Thị Kim Ph (SN 1958, trú tại quận Lê Chân) đã ôm số tiền gần 2 tỷ đồng của người quen, bạn hàng rồi lặn mất tăm.
Quá trình điều tra, được biết, Ph đang lẩn trốn tại Cộng hoà Liên bang Nga. Công an Hải Phòng đã rất nhiều lần kêu gọi, động viên Ph trở về đầu thú, thế nhưng sự kiên trì ấy cũng chẳng có kết quả gì. Ph "cố thủ" ở xứ người bởi sợ khi trở về sẽ phải lĩnh án tù đằng đẵng...
"Cú đánh" của tình người
Trở lại câu chuyện của Hậu, ở nhà, khi biết con mình trở thành đối tượng truy lùng của cơ quan công an, bố mẹ Hậu đã rụng rời chân tay. Sau cú sốc ấy, được cơ quan công an giác ngộ, họ biết chỉ có con đường đầu thú mới giúp con mình có đường làm lại cuộc đời.
Sau nhiều ngày bắt mối, họ đã tìm ra tung tích của Hậu thông qua số máy di động của một người quen. Câu chuyện ngắn ngủi, họ đã động viên con mình ra đầu thú. Thế nhưng, sau những lời cự tuyệt là tiếng cúp máy đánh rụp.
Biết chẳng thể nhanh chóng thuyết phục được đứa con cứng đầu ấy nên được sự "tư vấn" của cơ quan công an, gia đình Hậu quyết định dùng kế sách mưa dầm thấm lâu. Vậy là, cứ mỗi lần có cơ hội nói chuyện với con mình, họ lại khuyên con quay về để được hưởng lượng khoan hồng.
Thời điểm hiện tại, theo Đại tá Đỗ Hữu Ca, "chiến dịch không tiếng súng" ấy đã thu được thành công đáng kể. Đã có trên 100 đối tượng đến trình diện tại cơ quan công an, trong số đó, có nhiều đối tượng cộm cán, trốn nã suốt một thời gian dài.
Qua những cuộc "thuyết khách" đẫm nước mắt ấy, gia đình Hậu biết con mình cũng đã quá chán cuộc sống chui lủi, không có ngày mai ấy rồi. Nắm bắt được tâm lý của con, gia đình Hậu đã "xuống đòn" quyết định. Một bức thư được gia đình bí mật chuyển tới nơi Hậu đang ẩn náu.
Bức thư này, theo bố Hậu kể lại thì gia đình ông nhận được giáp Tết Nguyên đán vừa rồi. Người gửi bức thư đó là Phó Giám đốc Công an thành phố. Bức thư gửi đích danh Cù Huy Hậu, đồng thời nói rõ những tình tiết giảm nhẹ trong vụ án mà Hậu gây ra. Những tình tiết ấy sẽ là "phần thưởng vô giá" nếu Hậu quay về trình diện trước cơ quan pháp luật.
Có được niềm tin từ lá thư, Hậu quyết định trở về. Sau hôm trình diện với cơ quan công an, đúng như những gì đã hứa, Hậu được về nhà ăn Tết. Có lẽ, với Hậu, đó là cái Tết khó quên nhất trong đời. Xóm làng đến chúc mừng vì Hậu đã thực sự trở lại với đời. Đón nhận tấm chân tình ấy của mọi người, Hậu đã thầm hứa sẽ cố gắng thụ án thật tốt để được nhanh chóng về lại với vòng tay yêu thương của tất thảy mọi người.
Giống như Hậu, Ph cũng trải qua những tháng ngày khổ tận cam lai. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân cứ ngày một thêm chất ngất. Đã có lúc nỗi nhớ da diết ấy thúc giục Ph trở về, thế nhưng, "rào cản" là án tù treo lơ lửng trên đầu đã ngăn Ph lại.
Thế rồi, một ngày Ph nhận được một lá thư từ quê nhà xa xôi. Lá thư ấy không phải của người quen thân như mọi khi mà là của chính Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an thành phố Hải Phòng. Lá thư gửi đích danh cho Ph và kêu gọi Ph trở về. Lá thư làm Ph mấy đêm mất ăn mất ngủ.
Và rồi, suy tính thiệt hơn, Ph đã quyết định làm theo những điều lá thư đó chỉ dẫn. Ngày 24-1-2010, Ph đã được cơ quan CSĐT Công an Hải Phòng làm thủ tục tiếp nhận đầu thú tại Sân bay Nội Bài.
|
Lưu Hữu Thắng đến Công an huyện An Dương đầu thú. |
Chiến dịch không tiếng súng
Đại tá Đỗ Hữu Ca - Thủ trưởng cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán, số đối tượng có lệnh truy nã ở Hải Phòng là 720 người, cao thứ 4 cả nước. Sống chui lủi nên những đối tượng này có nguy cơ tái diễn hành vi phạm tội rất cao. Với số lượng người trốn nã khổng lồ trên, theo Đại tá Đỗ Hữu Ca, việc truy bắt là điều vô cùng khó khăn.
Trước những bức xúc, nhức nhối trên, sau nhiều lần bàn bạc, "kế sách" kêu gọi đối tượng trốn nã ra đầu thú được xem là khả thi nhất. Tuy nhiên, để việc làm này đạt được kết quả thì phải có cách làm "đánh trúng tâm can" đối tượng lẩn trốn.
Theo Đại tá Đỗ Hữu Ca thì nhiều năm làm công tác đấu tranh với tội phạm, ông biết, bất cứ đối tượng trốn nã nào cũng có khao khát được trở về nhà, được gặp lại người thân. Bởi thế, việc này, muốn thành công thì phải đánh trúng tâm lý đó. Và, để đối tượng thực sự yên tâm thì phải chỉ cho đối tượng thấy những "cái được" khi… quay đầu lại. Những lý do trên đã là nền tảng để những bức "tâm thư phục nã" ra đời.
Để những bức thư trên đến được tay người nhận, theo Đại tá Đỗ Hữu Ca, nhiệm vụ này ông giao cho chính những điều tra viên thụ lý vụ án có đối tượng trốn nã. Họ là những người hiểu đối tượng và biết rõ nhất là nên chuyển thư theo con đường nào.
Hôm chúng tôi về An Dương, một huyện có nhiều đối tượng trốn nã ra đầu thú nhất Hải Phòng, Lưu Hữu Thắng - một giang hồ khét tiếng trên địa bàn cũng khăn gói tới cơ quan công an huyện đầu thú. Trong quá trình làm ăn, do "nóng mắt", Thắng đã chỉ đạo đàn em đánh người gây thương tích. Sau một thời gian lẩn trốn, Thắng đã ra trình diện. Trước khi bước vào buồng giam, Thắng bảo: "Em đi cho sớm để về với gia đình, làm lại cuộc đời. Chui lủi ở ngoài có khi còn kinh khủng hơn ở tù anh ạ!".
Đào Thanh Tuy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.