Tấm vải liệm Chúa Jesus là thật hay giả?

PV Chủ nhật, ngày 27/12/2020 20:32 PM (GMT+7)
Suốt nhiều thế kỷ qua, có không ít tranh cãi về tính xác thực của tấm vải liệm Chúa Jesus - được bảo quản trong một căn phòng đặc biệt ở một nhà thờ tại Turin (Italy).
Bình luận 0

Theo L'Osservatore Romano, tờ báo chính thức của Vatican, thì “với khoa học, tấm vải liệm (Chúa Jesus) không thể là giả”. Dư luận xem tuyên bố trên phương tiện truyền thông này là một sự kiện hiếm có bởi vì Vatican đang cất giữ tấm vải liệm Chúa Jesus (còn được biết đến với tên gọi “tấm vải liệm thành Turin), nhưng trước đây thường lảng tránh mọi bình luận về việc liệu tấm vải liệm này là thật hay giả.

Bài báo này muốn đề cập đến thí nghiệm mới đây của các nhà khoa học - được thực hiện tại Cơ quan quốc gia về Công nghệ mới, Năng lượng và Phát triển kinh tế Italy - đã phát hiện những dấu tích trên tấm vải đó được tạo ra bởi "ánh sáng mù".

Giáo sĩ Giuseppe Ghibert, thuộc Hội đồng Turin chịu trách nhiệm quản lý thánh vật của Vatican, cho biết: "Việc tiết lộ về tấm vải liệm sẽ dễ dàng gây náo động dư luận, nhưng với trường hợp này, sự thận trọng của các nhà khoa học khi đưa ra kết quả được đánh giá cao. Đây là điều rất hệ trọng".

Các nhà nghiên cứu phát hiện những dấu tích trên tấm vải liệm được tạo ra bởi thứ ánh sáng tương tự như tia laser cực tím - công nghệ vượt ngoài khả năng của những người làm giả thời Trung cổ mà những người hoài nghi cho rằng tấm vải liệm dài 4m, rộng 0,9m này là giả. Các nhà khoa học đã mất nhiều năm trong việc cố tái tạo những dấu ấn trên tấm vải.

Theo tờ Daily Telegraph, Giáo hội Thiên Chúa tỏ ý hoan nghênh những nghiên cứu tiếp theo của nhóm khoa học gia này. Như vậy, những dấu vết trên tấm vải thực sự được tạo ra bởi một nguồn năng lượng lớn xuất hiện đồng thời với sự kiện Chúa phục sinh.

Các nhà khoa học cho biết: "Trong khi tái tạo hình ảnh kỳ lạ trên tấm vải liệm Turin, nhiều kết quả kiểm tra cho thấy bức xạ cực tím cường độ mạnh trong thời gian ngắn có thể "nhuộm màu" vải lanh". Hình ảnh người đàn ông có râu trên tấm vải chắc hẳn đã được tạo ra bởi một dạng năng lượng điện từ (chẳng hạn như ánh sáng chớp lóe ở bước sóng ngắn).

Tấm vải liệm Chúa Jesus là thật hay giả? - Ảnh 2.

Tấm vải liệm Turin, hiện đang được bảo quản tại Vatican, có dấu tích được cho là hình dáng của Chúa Jesus in lại bởi một vầng ánh sáng phát ra khi Chúa Jesus sống lại.

Giáo sư Paolo Di Lazzaro, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: "Khi ai đó nói ánh sáng lóe có thể nhuộm màu một mẩu vải lanh như với tấm vải liệm thì mọi tranh luận chắc chắn sẽ cho rằng đó là điều kỳ diệu. Nhưng là nhà khoa học, chúng tôi khẳng định rằng đó là điều có thể thực hiện bởi các tiến trình khoa học khác nhau. Hy vọng các kết quả của chúng tôi sẽ giúp ích cho những tranh luận thần học cũng như triết học quanh vấn đề này".

Suốt nhiều thế kỷ qua, có không ít tranh cãi về tính xác thực của tấm vải liệm thành Turin - được bảo quản trong một căn phòng đặc biệt ở một nhà thờ tại Turin (Italy). Là một trong những thánh vật gây nhiều tranh cãi nhất trong thế giới Thiên Chúa giáo, tấm vải này mang hình ảnh lờ mờ của một người đàn ông có những vết thương do bị đóng đinh ở cổ tay và bàn chân.

Nhiều người tin đó là mối liên hệ tự nhiên với Chúa Jesus ở Nazareth (thị trấn ở miền Bắc Israel, được xem là nơi Chúa Jesus sống trong thời thơ ấu), số khác thì cho rằng đó là sự giả mạo tinh vi.

Năm 1988, xét nghiệm carbon phóng xạ trên mẫu của tấm vải liệm thực hiện tại Trường đại học Oxford, Trường đại học Arizona và Viện công nghệ liên bang Thụy Sỹ cho thấy tấm vải này có niên đại vào thời Trung cổ, khoảng từ năm 1260 đến năm 1390. Kết quả các cuộc thí nghiệm khi ấy đã gây tranh cãi rằng mẫu vải đó bị "ô nhiễm" bởi sợi vải từ mảnh vải dùng để vá những chỗ bị hư hại trên tấm vải liệm trong một trận hỏa hoạn xảy ra thời Trung cổ.

Tấm vải liệm Chúa Jesus là thật hay giả? - Ảnh 3.

Xét nghiệm bằng phương pháp carbon phóng xạ được thực hiện vào năm 1988 tại Oxford, Zurich và Arizona cho thấy rằng tấm vải liệm thành Turin được tạo ra vào khoảng giữa năm 1260 và 1390.

Gần đây hơn, nghi vấn về tính xác thực của tấm vải liệm càng tăng thêm khi các nhà khảo cổ học Israel tiết lộ tấm vải liệm lần đầu tiên được biết ở Jerusalem từ thời Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá. Cách dệt và kiểu dáng hoàn toàn khác với tấm vải liệm Turin. Tấm vải liệm ở Jerusalem được dệt theo kiểu 2 chiều đơn giản, còn tấm vải thành Turin có kiểu dệt chéo (xuất hiện hơn 1.000 năm sau thời Chúa Jesus).

Tính xác thực của tấm vải thành Turin không liên quan gì tới việc Chúa Jesus là có thật hay không. Nếu nó là một món đồ giả thời Trung cổ thì cũng không có nghĩa câu chuyện về tấm vải liệm Chúa là không có thật. Cho tới khi chúng ta tìm ra được phương pháp đáng tin cậy trong mối liên hệ giữa tấm vải liệm với Chúa Jesus, thì sự tồn tại của tấm vải 2.000 năm tuổi kia cũng không nói lên rằng 1 người nào đó chết vào khoảng thời gian nó được tạo ra là Chúa Jesus.

Ý kiến cho rằng khi Chúa Jesus sống lại, cơ thể Người phát ra ánh sáng - và thứ quang tử tầng số cao này đã tạo nên hình ảnh trên tấm vải quấn quanh người. Khả năng này đã bị loại trừ bởi Raymond Rogers, một thành viên Dự án nghiên cứu tấm vải liệm Turin (Sturp) đã phân tích sợi vải hồi thập niên 1970 của thế kỷ XX.

Ông này cho biết: "Nếu có bất cứ dạng bức xạ nào làm suy biến chất xen-lu-lô trong sợi vải lanh để tạo ra màu, thì nó phải xuyên thấu qua toàn bộ đường kính của sợi vải. Nhưng lõi của sợi vải ở tấm vải liệm Turin thì không bị biến màu. Có nhiều giả thiết về cách tạo ra hình ảnh như chúng ta thấy trên tấm vải liệm Turin".

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, nếu tấm vải liệm Turin được tạo ra từ thế kỷ XIII thì nó không phải là thánh vật của Chúa Jesus. Cũng có ý kiến khác cho rằng quá trình xét nghiệm bằng phương pháp carbon phóng xạ có sai sót.

Tấm vải liệm Chúa Jesus là thật hay giả? - Ảnh 4.

Giáo sư Christopher Ramsey - thuộc Cơ quan nghiên cứu gia tốc carbon phóng xạ Oxford, 1 trong 3 phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu - cho biết: "Chúng tôi rất tự tin trong việc xác định niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ. Có giả thiết cho rằng mẫu vải mà chúng tôi lấy để kiểm tra là mảnh vá sau này, nhưng tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng điều này là không hợp lý, bởi vì thớ vải ở mẫu xét nghiệm rất khác thường và khớp một cách hoàn hảo với phần còn lại của tấm vải liệm. Hơn nữa, cho dù tấm vải đó bị ô nhiễm thì cũng không thể làm cho vật có 2.000 năm tuổi chỉ còn 800 năm tuổi được".

Cho đến nay, vẫn còn nhiều nghi vấn về việc tấm vải liệm Turin được tạo ra như thế nào, nhưng có rất ít lý do để nghĩ rằng nó đủ niên đại để là tấm vải dùng để liệm Chúa Jesus. Năm 1543, John Calvin để chỉ ra rằng tấm vải đó là giả, đã viện dẫn theo sách Phúc Âm của Thánh John thì có 2 tấm vải được dùng để liệm Chúa Jesus - một quấn trên mình, còn tấm kia đậy trên mặt. Và trong sách Phúc Âm cũng không có đề cập nào liên quan tới "vết tích mình Chúa còn in lại trên vải liệm".

Tấm vải liệm Turin là vật thần bí, nhưng nó không phản ánh những nghi vấn về việc liệu Chúa Jesus là một nhân vật lịch sử hoặc là Con Thiên Chúa hay là Người sống lại từ cõi chết. Điều quan trọng hơn, chúng ta thường nói rằng khoa học không thể bác bỏ Chúa, mà đó là 2 lĩnh vực khác nhau: khoa học và tín ngưỡng. Tấm vải liệm thành Turin gần như chắc chắn là vật được tạo nên sau thời kỳ của Chúa Jesus, nhưng nó không làm thay đổi điều gì cả - nhất là đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem