Những ngày cận Tết, hàng lậu vượt sông Sê Pôn, từ nước bạn Lào "tuồn" về Quảng Trị "nóng" dần lên. Trong vai khách du lịch có mặt tại Lao Bảo, phóng viên NTNN chứng kiến những phương cách vận tải hàng lậu có một không hai.
Cận cảnh "con đường" hàng lậu
|
Một cửu vạn nhét đầy hàng lậu chờ “tuồn” về sâu nội địa. |
Bên QL9, đoạn qua làng Lương Lễ, xã Tân Hợp (Hướng Hóa), một phụ nữ tầm 45 tuổi đang đứng tựa lưng vào gốc cây, mắt đảo liên tục về phía có bãi đất trống sau cánh rừng rậm rạp.
Trong vai khách du lịch muốn mua vài cây thuốc lá làm quà, chúng tôi tới bắt chuyện và làm quen được với chị. Mất khá nhiều thời gian "lấy lòng tin", cuối cùng chị đồng ý cho chúng tôi đi theo để khám phá sự náo nhiệt ở bến sông Sê Pôn - nơi diễn ra những cuộc bốc hàng chóng vánh của dân buôn lậu đằng sau cái vỏ bọc yên ả của một vùng biên chiều cuối năm.
1 giờ đêm! Gió từ sông Sê Pôn mang theo giá rét thổi thốc vào mặt rát buốt. Chúng tôi theo con đường độc đạo luồn sâu vào rừng già. Con đường chỉ đủ một người chui lọt, hai bên cây gai rừng um tùm phủ kín.
Theo hướng tay chỉ của chị Nguyễn Thị T, chúng tôi thấy những cái bóng bé tẹo của dân cửu vạn thoắt ẩn thoắt hiện trong bóng đêm lờ mờ, giữa rừng cây. Họ mang trên lưng những bao hàng to tướng như những con lạc đà, lặng lẽ leo lên những vách núi đá cao chất ngất rồi bò xuống những vực sâu hun hút.
Chị T bộc bạch: "Nhà nghèo, thu nhập từ vài sào lúa nước chỉ cầm cự được đôi ba tháng, nên cả nhà tui 7 người sống nhờ vào nghề đi "lẹc" (cõng hàng lậu)".
Xốc lại bao hàng lên lưng, chị H.T.M cho biết: "Thời điểm cận Tết như ri mỗi ngày cũng kiếm được chục chuyến, mỗi chuyến được 30 nghìn".
Trong màn đêm, tại các bến sông Sê Pôn đoạn qua Tân Kim, Tân Long, cảnh tượng buôn lậu diễn ra chóng vánh nhưng không kém tấp nập.
Những "vệ tinh" hàng lậu có mặt khắp nơi trên điểm tập kết hàng. Trong bóng tối, những chiếc điện thoại di động được cài đặt ở chế độ im lặng để liên lạc cho nhau. Khi thấy tình hình yên ắng, những chiếc thuyền chờ sẵn ở bên kia sông Sê Pôn sẽ ra hiệu vượt sông.
Chỉ trong vòng mươi phút kể từ khi thuyền cập bến, lực lượng vận chuyển ngay lập tức "thanh toán" hết số hàng trên thuyền và chia nhỏ, xé lẻ để thuê dân "cua rạm" gùi cõng băng rừng theo đường tiểu ngạch tỏa về xuôi. Hàng hóa "vượt sông" chủ yếu là thuốc Jet, rượu ngoại và một số mỹ phẩm…
Hàng lậu đi đâu?
Theo quan sát của chúng tôi, cách Trạm liên hợp Tân Hợp chừng 300m về phía Đông Hà, dân "cua rạm", "người rô bốt" (bó hàng quanh mình) sau khi luồn theo đường "lẹc" tập kết hàng dọc theo QL9, chờ khi xe khách qua cổng B, họ nhanh chóng tẩu tán hàng.
Tại một nhánh khác của đường đi hàng lậu là ngay dưới chân đèo, đoạn qua làng Cát (Đakrông), đường lên thị trấn Khe Sanh, các lượt xe chở hàng lậu trước khi qua Trạm liên hợp Tân Hợp cũng ghé vào đây "ăn" hàng… Hầu hết các mặt hàng được các trùm buôn lậu "tuồn" qua biên giới Việt - Lào sau khi thoát ra khỏi tầm kiểm soát của lực lượng chức năng đều đổ về thành phố Đông Hà.
Bình quân mỗi ngày có gần 200 lượt xe xuất phát từ bến xe Đông Hà đi Lao Bảo và ngược lại. Cứ tầm 18-19 giờ chiều, những chuyến xe từ Lao Bảo về thành phố lại lặng lẽ toả đi các ngõ hẻm để trút hàng.
Theo một cán bộ ở xã Tân Hợp, muốn triệt tận gốc tình trạng này, các lực lượng chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ và một chiến lược có tầm trong việc điều tra, bắt tận tay các chủ trùm buôn lậu thay vì bắt giữ hàng hóa và những người gùi cõng thuê. Bên cạnh đó, cần có một chế tài mạnh tay hơn đối với các địa điểm buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc.
Thống kê chưa đầy đủ, năm 2010, lực lượng chống buôn lậu và gian lận thương mại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ gần 185.000 bao thuốc lá các loại, hàng ngàn chai rượu ngoại, nước uống tăng lực, mỹ phẩm… Tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng.
Uyên Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.